Phát biểu trước báo giới tại Geneva (Thụy Sĩ) khi tới tham dự hội nghị về giải trừ quân bị do LHQ bảo trợ, Đại sứ giải trừ quân bị Mỹ Robert Wood cho rằng Iran nên cùng Mỹ đàm phán một thỏa thuận không chỉ về vấn đề hạt nhân mà còn về nhiều vấn đề gây quan ngại khác như phát triển và mở rộng chương trình tên lửa đạn đạo và các hoạt động khác trên thế giới.
Trước đó, ngày 20/1, truyền thông Iran dẫn lời Ngoại trưởng nước này, ông Javad Zarif, nếu tranh chấp liên quan tới chương trình hạt nhân Iran được đưa lên HĐBA LHQ, thì Tehran sẽ rút khỏi NPT.
Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh hồi tuần trước, Anh, Pháp và Đức đã kích hoạt quy trình giải quyết tranh chấp theo thỏa thuận hạt nhân ký kết năm 2015 giữa Iran và nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) vì cho rằng Tehran đã vi phạm thỏa thuận.
Nếu không được giải quyết trước ủy ban chung, vấn đề sẽ được tiếp tục đưa lên một ban cố vấn và cuối cùng có thể lên tới HĐBA LHQ, dẫn tới việc tái áp đặt các biện pháp trừng phạt của LHQ với Tehran. Iran cáo buộc các quốc gia châu Âu không có động thái gì trước việc Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Tehran.
Căng thẳng Iran và phương Tây gia tăng sau tháng 5/2018, Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran ký kết năm 2015 giữa Tehran và nhóm P5+1 và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm buộc quốc gia Hồi giáo trở lại đàm phán sửa đổi thỏa thuận.
Một năm sau, Iran tuyên bố từng bước thu hẹp các cam kết cần tuân thủ theo thảo thuận, cho rằng các nước châu Âu đã chậm trễ trong việc hỗ trợ Iran tránh những tác động từ các biện pháp trừng phạt của Mỹ dù luôn khẳng định nỗ lực bảo vệ thỏa thuận.
Mỹ và Iran từng có lúc đứng bên bờ miệng hố chiến tranh khi liên tục xảy ra các cuộc tấn công tàu chở dầu ở vùng Vịnh, mà Mỹ cáo buộc Iran đứng sau trong khi Tehran luôn bác bỏ hay việc nước này hạ máy bay do thám của Mỹ. Washington đã kêu gọi các đồng minh tham gia chiến dịch bảo vệ tàu thuyền qua tuyến đường biển qua Eo biển Hormuz, trong một động thái mà Iran cực lực phản đối vì cho là can thiệp vào an ninh khu vực.
Trong diễn biến liên quan, theo phóng viên TTXVN tại Seoul, một quan chức Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ngày 21/1 cho biết Iran đã bày tỏ lo ngại về quyết định của Hàn Quốc đưa quân tới Eo biển Hormuz. Theo quan chức này, chính quyền Seoul đặt lợi ích quốc gia và sự an toàn của công dân Hàn Quốc lên hàng đầu khi đưa ra quyết định như vậy.
Hàn Quốc đã thông báo cho Iran biết quyết định này vào cuối tuần qua, nhưng về cơ bản Iran phản đối quân đội hoặc tàu nước ngoài đến khu vực. Ông cũng cho hay Seoul sẽ hợp tác chặt chẽ với Tehran liên quan tới các mối quan hệ giữa hai nước.
Trước đó, cùng ngày, Seoul đã tuyên bố sẽ điều động quân trong đơn vị chống cướp biển đang hoạt động ở Vịnh Aden tới thực hiện thêm các nhiệm vụ bảo vệ tuyến đường biển chiến lược ngoài khơi Iran. Tuy nhiên, lực lượng này sẽ tiến hành các nhiệm vụ một cách độc lập mà không tham gia liên minh do Mỹ đứng đầu.