Giới chức xử lý thảm họa cháy rừng của Mỹ đã nâng mức sẵng sàng ứng phó lên mức cao nhất, trong khi quân đội Canada đã tham gia công tác sơ tán người dân tại khu vực bị nạn.
Do ảnh hưởng của cháy rừng, bang Oregon của Mỹ đã sơ tán 2.000 cư dân. Theo báo cáo thống kê, kể từ khi bùng phát vào ngày 6/7, đám cháy Bootleg thiêu trụi 91.860 ha cây lấy gỗ và bờ bụi tại khu vực trong và xung quanh rừng quốc gia Fremont-Winema. Hơn 1.700 lính cứu hỏa và hàng chục máy bay trực thăng đã được huy động tham gia dập lửa. Tính đến nay, lực lượng cứu hỏa mới chỉ kiểm soát 7% diện tích đám cháy, tăng 2% so với ngày trước đó. Công tác dập tắt các đám cháy được dự báo còn gặp nhiều khó khăn do nhiệt độ tăng cao và gió lớn.
Tại bang California, quy mô đám cháy mới bùng phát Dixie trong một đêm đã tăng gấp 2 lần và đến nay, lực lượng cứu hỏa vẫn chưa thể can thiệp để khống chế đám cháy này. Đáng lo ngại là đám cháy này tiếp tục lan rộng về khu vực đông dân cư.
Tại Canada, các lực lượng vũ trang đang tham gia sơ tán cư dân tại tỉnh British Columbia. Cảnh báo chất lượng không khí được đưa ra tại nhiều địa phương của tỉnh này do khói bụi từ cháy rừng bao trùm khu vực này. Tính đến chiều 15/7 (giờ địa phương), tỉnh British Columbia có 309 đám cháy rừng, trong đó có 23 đám bùng phát trong 2 ngày qua.
Các nhà khoa học cho rằng các đợt nắng nóng bao trùm miền Tây nước Mỹ và Canada hồi cuối tháng 6 vừa qua là do tình trạng biến đổi khi hậu do con người gây nên. Chính hoạt động của con người đã khiến nhiệt độ Trái Đất tăng cao, làm gia tăng các cơn bão, đợt nắng nóng cực đoan, gây hạn hán và cháy rừng.