Mỹ cân nhắc tăng cường hiện diện quân sự tại châu Âu

Sau sự kiện Crimea (Crưm) sáp nhập vào LB Nga, Mỹ tuyên bố để ngỏ khả năng xem xét lại sự hiện diện quân sự tại châu Âu, vốn đã được giảm đi một cách đều đặn kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh.     

Điều trần trước Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ ngày 8/4, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Derek Chollet cho biết cân nhắc tới tình hình thực tế tại châu Âu và khu vực Á - Âu hiện nay, Mỹ phải xem xét lại việc bố trí lực lượng Mỹ tại châu Âu và cần có các hoạt động triển khai, diễn tập và huấn luyện trong tương lai ở khu vực này. Theo ông, Mỹ phải thay đổi tầm nhìn về an ninh tại châu Âu sau cuộc khủng hoảng tại Ukraine nói chung và Crimea nói riêng.     

Quân đội Mỹ đã giảm sự hiện diện tại châu Âu kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh.


Hiện có khoảng 67.000 binh sĩ Mỹ đang đồn trú tại châu Âu, trong đó phần lớn được triển khai ở Đức (40.000 quân), Italy (11.000) và Anh (9.500). Lúc đỉnh cao khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, Mỹ từng có 285.000 quân tại châu Âu.    

Lầu Năm Góc đang lên kế hoạch điều thêm 175 lính thủy đánh bộ tới một căn cứ quân sự ở Romania, nâng tổng số binh sỹ đóng gần Biển Đen lên 675 người, nhằm tăng cường quy mô lực lượng phản ứng nhanh tại châu Âu. Hiện có khoảng 265 lính thủy đánh bộ Mỹ đang đồn trú tại căn cứ quân sự ở Romania. Họ là một phần trong lực lượng luân chuyển ở Biển Đen có nhiệm vụ huấn luyện tăng cường năng lực quốc phòng cho các nước đồng minh của Mỹ ở Đông Âu. 

Ngoài ra, Mỹ cũng cử một số binh sĩ khác đóng quân ở căn cứ này làm nhiệm vụ trung chuyển các thiết bị quân sự cho chiến trường Afghanistan sau khi trung tâm trung chuyển thuộc căn cứ quân sự Manas ở Kyrgyzstan đóng cửa vào mùa hè tới.     

Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đã xác nhận sẽ điều một tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường tới Biển Đen nhằm trấn an các đồng minh châu Âu tại khu vực này sau sự kiện Crimea sát nhập vào Nga. Thông tin cho biết đây là tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường USS Donald Cook, được triển khai tại căn cứ hải quân ở Rot, Tây Ban Nha, một phần trong hệ thống lá chắn tên lửa đã được Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đề xuất. Mới đây, tàu này đã được nâng cấp để có thể phóng các tên lửa SM-3 cho phép con tàu thực hiện chức năng như một phần trong Hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo lớp Aegis.     

Tháng trước, Mỹ đã triển khai tàu khu trục mang tên lửa điều khiển "Truxtun" tham gia tập trận với các tàu hải quân Bulgaria và Romania tại Biển Đen. Cuộc tập trận nhằm thể hiện cam kết ủng hộ của Washington đối với các đồng minh NATO. Ngoài ra, Washington cũng tăng số lượng máy bay tuần tra định kỳ ở Baltic, đồng thời tăng cường cuộc tập trận được lên kế hoạch trước đó với Không quân Ba Lan.


TTXVN/Tin tức
Mỹ dọa trừng phạt nếu Iran ký hợp đồng dầu lửa với Nga
Mỹ dọa trừng phạt nếu Iran ký hợp đồng dầu lửa với Nga

Washington có thể sẽ áp đặt trừng phạt kinh tế nếu Iran và Nga ký kết một hợp đồng mua bán trao đổi dầu lửa. Đây là phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ ngày 8/4 về thỏa thuận hạt nhân với Tehran.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN