Mỹ cần chi bao nhiêu để mua được đảo Greenland?

Việc định giá Greenland – hòn đảo lớn nhất thế giới thuộc về Đan Mạch - sẽ phụ thuộc vào mức độ sẵn sàng Mỹ chi trả bao nhiêu để sở hữu nó.

Chú thích ảnh
Cuộc sống tại thành phố Upernavik, phía Tây Greenland. Ảnh: Reuters

Tuần trước, Tạp chí Wall Street (WS) dẫn các nguồn tin trong Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump đang xem xét ý tưởng mua Greenland. Trong buổi trả lời phỏng vấn tại Morristown (bang New Jersey) sau khi kết thúc kỳ nghỉ kéo dài 10 ngày tại câu lạc bộ golf ngày 18/8, Tổng thống Trump xác nhận đã yêu cầu chính quyền của mình tìm hiểu khả năng mua Greenland.

Ông tiết lộ lý do muốn mua Greenland vì hòn đảo này “mang tính chiến lược”.

Phản ứng trước thông tin trên, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen phản bác ý tưởng bán Greenland cho Mỹ là “vô lý”, khẳng định hòn đảo tự trị này “không phải để bán”.

“Greenland không phải để bán. Greenland thuộc về bản thân Greenland. Tôi hy vọng rằng sáng kiến này không phải nghiêm túc”, Thủ tướng Frederiksen trả lời phỏng vấn báo Sermitsiaq trong chuyến thăm Greenland ngày 18/8.

Theo Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow, Greenland - nằm giữa Đại Tây Dương và Bắc Cực - là "một địa điểm chiến lược" với "rất nhiều khoáng sản có giá trị".

Đây không phải là nỗ lực đầu tiên của Washington thể hiện muốn sở hữu Greenland. Sau Chiến tranh Thế giới thứ II, vào năm 1946, Tổng thống Mỹ khi đó là Harry Truman đã đề nghị trả cho Đan Mạch 100 triệu USD (tương đương 1,3 tỷ USD hiện nay sau khi điều chỉnh theo lạm phát) để mua hòn đảo này, song đề nghị đã bị khước từ.

Mặc dù không mua được Greenland song Mỹ và Chính phủ Đan Mạch vẫn ký kết một thỏa thuận xây dựng một căn cứ quân sự tại hòn đảo này vào đầu những năm 1950. Kể từ đó, căn cứ không quân Thule ra đời. Căn cứ cực Bắc này của Mỹ nằm trong mạng lưới toàn cầu các thiết bị cảm biến và radar của quân đội Mỹ để cung cấp các cảnh báo tên lửa đạn đạo và do thám không gian.

Tính đến thời điểm hiện tại, đảo quốc tự trị thuộc Đan Mạch này chưa từng được định giá trên thị trường bất động sản, cho nên cũng rất khó để xác định chính xác muốn mua Greenland, Mỹ phải chi trả bao nhiêu. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Greenland được ghi nhận ở mức 2,7 tỷ USD trong năm 2016. Theo một bài phân tích từ báo Washington Post, chi phí để sở hữu Greenland rơi vào khoảng từ 200 triệu đến 1,7 nghìn tỷ USD.

Năm 1803, Mỹ mua toàn bộ lãnh thổ Louisiana từ Pháp với giá 15 triệu USD (điều chỉnh theo lạm phát hiện giờ, xấp xỉ 340 triệu USD ngày nay). Toàn bộ lãnh thổ Louisiana có diện tích khoảng 827.000 m2 (trải dài từ sông Mississippi tới dãy núi Rocky), trong khi diện tích của Greenland xấp xỉ 836.000 m2.

Vào thời điểm bán Louisiana, Pháp đang rất cần tiền chuẩn bị cho cuộc chiến tranh với Anh. Paris bán lãnh thổ cho Washington với giá thấp đến mức vụ giao dịch này được coi là một trong những món hời về bất động sản lớn nhất trong lịch sử.

Năm 1867, Nga bán Alaska cho Mỹ với giá 7,2 triệu USD (xấp xỉ 125 triệu USD khi quy đổi về tiền hiện nay). Diện tích của Alaska chỉ có 586.000 m2, nhỏ hơn rất nhiều so với lãnh thổ Louisiana và Greenland.

Dự kiến, Tổng thống Trump tới thăm Đan Mạch vào tháng 9 tới. Chuyến thăm này nằm trong chuyến công du châu Âu đã được thông báo trước đó. Tuy nhiên, Nhà Trắng đầu tuần này phủ nhận thông tin nhà lãnh đạo Mỹ sẽ nêu vấn đề mua Greenland trong các cuộc gặp ở đất nước Bắc Âu nói trên.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
Rộ tin Tổng thống Trump muốn mua hòn đảo lớn nhất thế giới cho nước Mỹ
Rộ tin Tổng thống Trump muốn mua hòn đảo lớn nhất thế giới cho nước Mỹ

Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần tỏ ý muốn mua lại hòn đảo Greenland của Vương quốc Đan Mạch về cho nước Mỹ và đã hỏi ý kiến các cố vấn về việc này. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN