Mỹ cam kết không áp thuế mới với thép và nhôm nhập từ Australia

Ngày 10/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, Mỹ đang làm việc để không áp mức thuế mới với các mặt hàng nhôm và thép nhập khẩu từ đồng minh Australia dựa trên hình thức của một thỏa thuận an ninh song phương.

Tổng thống Mỹ Donald Trump điện đàm với Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull từ Washington, DC ngày 29/1. Ảnh: EPA/TTXVN

Phát biểu sau cuộc điện đàm với Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull, Tổng thống Trump cho hay nhà lãnh đạo Australia "cam kết có một mối quan hệ quốc phòng và thương mại rất công bằng và đối ứng". Tổng thống Mỹ cho biết thêm giới chức nước này đang làm việc rất nhanh chóng về một thỏa thuận an ninh để không phải phải áp đặt thuế thép hoặc nhôm với đồng minh Australia. Hiện chưa có thông tin chi tiết về cái gọi là một "thỏa thuận an ninh" này.

Về phần mình, Thủ tướng Turnbull cho biết Tổng thống Trump "đã xác nhận rằng sẽ không áp đặt thuế lên thép và nhôm của Australia", và hiện thủ tục sẽ được thực hiện "để triển khai theo hướng đó". Ông Turnbull khẳng định ông đã có một cuộc thảo luận hiệu quả với nhà lãnh đạo Mỹ.

Australia và Mỹ đã tham gia Hiệp ước an ninh Australia-New Zealand-Mỹ (gọi tắt là liên minh ANZUS) có hiệu lực từ năm 1952. Australia chủ yếu xuất khẩu quặng sắt và chỉ xuất khẩu rất ít thép, và Mỹ không phải là bạn hàng lớn của quốc gia châu Đại Dương này. Tuy nhiên, Canberra cho rằng mức áp thuế mới của Mỹ sẽ tác động tới thương mại của nước này và dẫn tới tình trạng người lao động Australia bị mất việc làm.

Cũng trong ngày 9/3, Tổng thống Trump có cuộc điện đàm với người đồng cấp Argentina Mauricio Macri, trong đó nhà lãnh đạo quốc gia Nam Mỹ bày tỏ lo ngại về những tác động tiêu cực của việc Mỹ áp thuế cao đối với thép và nhôm nhập khẩu.

Theo phóng viên TTXVN tại Buenos Aires, tuyên bố từ Phủ Tổng thống Argentina cho biết, trong cuộc điện đàm, ông Trump cam kết sẽ xem xét đề nghị của Tổng thống Macri đưa Argentina vào danh sách miễn trừ các biện pháp hạn chế có thể ảnh hưởng tới xuất khẩu thép và nhôm vào Mỹ.

Hồi tuần trước, Bộ Ngoại giao và Bộ Sản xuất Argentina đã gửi công hàm tới Bộ Thương mại Mỹ trình bày lý do vì sao Argentina cần được miễn trừ trong chính sách áp thuế của Mỹ. Theo số liệu thống kê, xuất khẩu thép và nhôm của Argentina chỉ chiếm tương ứng 0,6% và 2,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này sang Mỹ.

Trong khi đó, người phát ngôn của Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố Anh sẽ làm việc với Liên minh châu Âu (EU) để yêu cầu Mỹ miễn thuế đối với mặt hàng kim loại của Anh và EU.

Theo phóng viên TTXVN tại London, quan chức trên nêu rõ việc sử dụng thuế khóa không phải là cách đúng đắn để giải quyết vấn đề sản xuất dư thừa trên thế giới. Trong khi đó, EU cho biết họ nên được miễn thuế vì EU là một đồng minh gần gũi của Mỹ.

Bộ trưởng Thương mại quốc tế của Anh Liam Fox cùng ngày cho biết ông sẽ sang Mỹ vào tuần tới để thuyết phục Mỹ miễn áp thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm của Anh. Ông Fox bày tỏ tin tưởng Mỹ sẽ có các biện pháp giải quyết vấn đề trên cơ sở đa phương.

Các công ty thép của Anh hiện xuất khẩu khoảng 350.000 tấn thép sang Mỹ mỗi năm, chiếm khoảng 7% tổng sản lượng thép sản xuất của Anh.

Cùng ngày, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cảnh báo kế hoạch của Mỹ nâng thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu có nguy cơ khơi mào một cuộc chiến thương mại mang tính hủy diệt lẫn nhau.

Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Trump, Tổng thống Macron bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về nguy cơ mức thuế mới của Mỹ tạo ra một cuộc chiến thương mại mà trong đó các quốc gia bị ảnh hưởng đều thua trận. Ông Macron cho rằng các biện pháp của Mỹ nhằm vào các quốc gia đồng minh, vốn tôn trọng các quy tắc thương mại quốc tế, sẽ không đem lại hiệu quả trong cuộc chiến chống các hành vi gian lận thương mại. Ông nêu rõ EU sẽ phản ứng "rõ ràng và tương xứng" đối với tất cả các hành vi gian lận và vi phạm quy định thương mại quốc tế.

Trước đó, bất chấp sự phản đối của nhiều doanh nghiệp và nghị sĩ, ngày 8/3, Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh công bố áp mức thuế suất mới, 25% đối với mặt hàng thép và 10% đối với mặt hàng nhôm nhập khẩu. Hiện chỉ có Canada và Mexico được miễn trừ trong kế hoạch này. Một số tổ chức thương mại trong nước đã lên tiếng phản đối cho rằng mức thuế mới sẽ đẩy chi phí sản xuất của các doanh nghiệp lên cao và có thể châm ngòi cho cuộc chiến thương mại trên diện rộng. Kế hoạch áp thuế mới của chính quyền Mỹ cũng vấp phải sự phản đối của hàng loạt quốc gia, trong đó có các đồng minh thân cận của Mỹ, cũng như các tổ chức trên thế giới.

*Xuất khẩu thép Hàn Quốc sang Mỹ sẽ bị một cú giáng mạnh khi Washington loan báo áp đặt mức thuế cao đối với mặt hàng thép nhập khẩu vào nước này, theo các nguồn tin từ ngành công nghiệp Hàn Quốc.

Một nguồn tin trong ngành công nghiệp Hàn Quốc nhận định họ đang lo lắng về những điều sẽ xảy ra. Mức thuế một khi được áp đặt sẽ tác động nghiêm trọng đến lợi nhuận và xuất khẩu của các nhà chế tạo thép Hàn Quốc.

Cùng chung quan điểm một nguồn tin khác cho rằng đây chắc chắn sẽ là một gánh nặng lớn đối với các nhà chế tạo thép vốn đang chật vật đối mặt với các mức thuế nhập khẩu cao Mỹ áp đặt lên các mặt hàng xuất khẩu của họ. Tính đến nay, Mỹ đã áp đặt thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với 88% sản phẩm thép Hàn Quốc xuất khẩu sang Mỹ. Xuất khẩu các sản phẩm thép của Hàn Quốc sang Mỹ trong năm 2017 đạt 3,54 triệu tấn, giảm 38% so với ba năm trước đó.

Hiện POSCO, nhà chế tạo thép hàng đầu Hàn Quốc, đang bị đánh thuế 66,04% và 62,57% đối với mặt hàng thép lá cuộn lạnh và thép lá cuộn nóng. Mỹ cũng đã đánh thuế 38,22% đối với mặt hàng thép lá cuộn lạnh của Hyundai Steel Co.

Nexteel, Seah Steel Corp. và Husteel được cho rằng sẽ bị thiệt hại nặng nề bởi động thái áp thuế của Mỹ, do các công ty này đều phụ thuộc lớn vào Mỹ liên quan đến xuất khẩu của họ.

Trong khi đó, một quan chức cấp cao thuộc Bộ Thương mại Hàn Quốc cho rằng mức áp thuế cao hơn đối với thép và nhôm sẽ khiến chi phí sản xuất của hai hãng sản xuất ô tô Hyundai và Kia tăng, gây bất lợi cho các nhà sản xuất Hàn Quốc trước các đối thủ từ Mỹ.

Quan chức trên còn cảnh báo việc Mỹ nâng mức áp thuế sẽ tác động tới tiến trình tái đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Mỹ-Hàn đang diễn ra. Chính phủ Hàn Quốc cũng để ngỏ khả năng đệ đơn kiện lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Các nhà chế tạo thép Hàn Quốc hy vọng vào các cuộc đàm phán giữa Seoul với Washington sau khi Tổng thống Trump cho biết Mỹ sẵn sàng đàm phán với bất cứ nước nào về khả năng miễn trừ chính sách này.

TTXVN/Báo Tin tức
Kế hoạch đánh thuế của Mỹ tác động mạnh đến các thị trường tài chính
Kế hoạch đánh thuế của Mỹ tác động mạnh đến các thị trường tài chính

Kế hoạch của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc đánh thuế lên thép và nhôm nhập khẩu đã tác động tới các thị trường tài chính kể từ tuần trước, khi thông báo ban đầu của ông đã gây lo ngại về một cuộc chiến thương mại toàn cầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN