Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh áp mức thuế 25% lên thép và 10% lên nhôm, nhưng miễn trừ cho Canada và Mexico. Ảnh: UPI-YONHAP/TTXVN |
Ông Trump giữ vững lập trường trong việc tăng thuế, dù các nghị sỹ đảng Cộng hòa của ông và các nước khác lên tiếng phản đối, tuyên bố đánh thuế trả đũa và ngày 8/3, ông đã ký sắc lệnh áp mức thuế 25% lên thép và 10% lên nhôm, nhưng miễn trừ cho Canada và Mexico và cho phép các nước có thể yêu cầu được miễn trừ, thay vì áp đặt lên tất cả các nước như trong tuyên bố trước đó.
Thông báo mới từ Tổng thống Mỹ được các nhà đầu tư xem là bớt cứng rắn hơn kế hoạch ban đầu vốn được sử dụng như điều kiện cho việc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ và các thỏa thuận khác. Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn lo ngại đó liệu có phải là tiền lệ khơi mào cho các hành động trả đũa lẫn nhau.
Việc quyết định đánh thuế của Tổng thống Trump có thể gây ra một cuộc chiến thương mại đã gây bất an cho các nhà đầu tư chứng khoán trong thời điểm họ đã bị ảnh hưởng tâm lý sau khi thị trường điều chỉnh 10% trong tháng trước. Một cuộc chiến thương mại nếu nổ ra sẽ khiến triển vọng tăng trưởng và giá cổ phiếu sụt giảm. Theo các nhà chiến lược thị trường, việc áp thuế lên nhôm và thép sẽ có tác động nhìn chung là hạn chế, nhưng sẽ gây sức ép lên giá cổ phiếu trong các ngành cụ thể như của các công ty chế tạo và sản xuất ô tô, do khả năng làm tăng chi phí.
Trong khi đó, các thị trường tiền tệ nhìn chung không chào đón bất kỳ sự can thiệp thương mại nào và những nỗ lực bảo hộ trước đây của Chính phủ Mỹ đã khiến đồng USD xuống giá, với rủi ro lớn nhất đối với đồng tiền này đến từ tình trạng rút vốn. Đồng bạc xanh giảm so với hầu hết các đồng tiền sau thông báo ban đầu về việc đánh thuế và giảm xuống mức thấp trong hơn hai năm so với đồng yen trong tuần trước.
Đối với thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ, tác động của việc đánh thuế ít rõ ràng hơn các loại tài sản khác, và có thể phụ thuộc vào mức độ tác động của việc hạn chế thương mại đối với nền kinh tế. Việc áp thuế có thể gây thêm sức ép lạm phát, từ đó tăng khả năng tăng lãi suất và tác động tiêu cực đến trái phiếu. Những hạn chế thương mại có thể khiến các đối tác thương mại của Mỹ như Trung Quốc, nước nắm giữ lượng lớn trái phiếu của Mỹ, giảm lượng mua vào trái phiếu và thậm chí là giảm lượng nắm giữ như một biện pháp trả đũa, dù khả năng này không cao.
Thế giới gia tăng quan ngại về kế hoạch áp thuế nhập khẩu nhôm và thép của Mỹ Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi cảnh báo tất cả các giải pháp thương mại mang tính "đơn phương" đều rất "nguy hiểm" và các tranh chấp thương mại, suy cho cùng, đều có tác động đến "lòng tin".
Lời cảnh báo được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh áp thuế nhập khẩu 25% đối với thép và 10% đối với nhôm - động thái gây ra phản ứng mạnh mẽ ở nhiều nơi trên thế giới và thổi bùng quan ngại về một cuộc chiến thương mại toàn cầu.
Trong khi đó Tổng thống Argentina Mauricio Macri đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ Donald Trump, trong đó bày tỏ lo ngại về những tác động tiêu cực của sắc lệnh áp thuế cao đối với các sản phẩm thép và nhôm mà người đứng đầu Nhà Trắng vừa mới ký ban hành.
Thông cáo từ Phủ Tổng thống Argentina cho biết, trong cuộc điện đàm Tổng thống Trump cam kết sẽ xem xét đề nghị của Tổng thống Macri về việc đưa Argentina vào danh sách miễn trừ khỏi các biện pháp hạn chế có thể ảnh hưởng tới xuất khẩu thép và nhôm vào Mỹ.
Bộ Ngoại giao và Bộ Sản xuất Argentina đã gửi công hàm tới Bộ Thương mại Mỹ nêu lý do vì sao Argentina cần phải được miễn trừ khỏi các biện pháp thuế trên.
Theo số liệu thống kê, xuất khẩu thép và nhôm của Argentina chỉ chiếm tương ứng là 0,6% và 2,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này sang Mỹ.
|