Trong tuyên bố, Bộ Tài chính Mỹ nêu rõ áp đặt trừng phạt công ty thương mại Namgang (NTC) của Triều Tiên và công ty Sukbakso Bắc Kinh có trụ sở ở Trung Quốc do tạo điều kiện đưa lao động Triều Tiên ra nước ngoài.
Cụ thể, NTC thực hiện khâu logistic xuất khẩu lao động và giải quyết các vấn đề thị thực, hộ chiếu, lộ trình của lao động Triều Tiên cũng như hoạt động tuyển dụng ở nước ngoài. Trong khi đó, công ty Sukbakso Bắc Kinh thu xếp nơi ở tạm và việc chuyển kiều hối cho lao động Triều Tiên.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ cho rằng vệc xuất khẩu lao động của Triều Tiên vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc. Theo đó, bộ này phong tỏa tài sản và các lợi ích tại Mỹ của 2 công ty nói trên, đồng thời cấm tất cả các cá nhân và thực thể Mỹ giao dịch với 2 công ty này. Những cá nhân hoặc thể chế tài chính nước ngoài cung cấp dịch vụ cho 2 công ty Triều Tiên cũng có nguy cơ chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Một nghị quyết được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua năm 2017 yêu cầu các nước thành viên LHQ trục xuất các lao động Triều Tiên. Phương Tây cho rằng những lao động làm việc tại nước ngoài là nguồn thu nhập chính của Triều Tiên trong bối cảnh nước này tiếp tục chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo vi phạm các nghị quyết của LHQ.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên đình trệ gần một năm qua do bất đồng giữa hai bên về mức độ phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng và việc nới lỏng trừng phạt cùng những nhượng bộ tương ứng từ phía Washington.