Ở một khía cạnh nào đó, bức tranh tiêm chủng toàn cảnh tại Mỹ đã có bước tiến lớn trong thời gian qua. Hàng triệu người đã quyết định tiêm vaccine ngừa COVID-19, nhiều người trong số này hành động vào phút chót, hoặc là do bắt buộc, hoặc là do lo sợ trước biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao. Giới chức y tế công tại Mỹ nhìn nhận việc số ca mắc mới giảm tại nhiều bang gần đây là một tín hiệu nữa cho thấy thành công của chiến dịch tiêm chủng.
Nhưng tại Mỹ vẫn còn hàng triệu người trưởng thành và không thuộc diện bắt buộc phải tiêm chủng. Giới nghiên cứu về hành vi vaccine lo sợ Mỹ đang “đụng trần” thuyết phục người dân tiêm chủng, một mức trần thấp hơn nhiều so với ngưỡng cần có để có thể đạt được miễn dịch rộng trước biến thể Delta và có thể là cả các biến thể khác xuất hiện trong tương lai.
“Đến một ngày nào đó, đơn giản là chúng ta đụng phải bức tường. Đó là khi những người muốn tiêm đã được tiêm hết và không còn ai sót lại”, tiến sĩ Steven Furr, một bác sĩ gia đình tại vùng Jackson, bang Alabama, bày tỏ.
Hiện có khoảng 56% dân số Mỹ đã tiêm đủ hai liều vaccine. Đó là ngưỡng mà lúc đầu giới chuyên gia nhận định dư sức để đạt miễn dịch cộng đồng. Nhưng khi biến thể Delta xuất hiện và càn quét trên khắp thế giới, ngưỡng này được cảnh báo phải đẩy lên 90%, đồng nghĩa với việc nước Mỹ còn cả một chặng đường dài phía trước.
Theo khảo sát của Quỹ Kaiser Family công bố ngày 28/9, số người nói rằng sẽ không bao giờ tiêm vaccine – “số nói không tuyệt đối”, vẫn giữ tỉ lệ ổn định từ 12-15% trong suốt 9 tháng qua. Trong khi đó số do dự tiêm vaccine đã giảm từ 39% hồi tháng 12/2020 xuống chỉ còn 7% vào cuối tháng 9. Đây cũng là lực lượng đóng góp nhiều nhất giúp gia tăng độ che phủ của vaccine tại Mỹ. Cùng với đó là khoảng 4% nói rằng sẽ tiêm ngừa nếu như công việc coi đây là điều kiện bắt buộc.
Quyết định về tiêm mũi tăng cường cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương tạo ra tâm lý nghi ngờ lớn hơn ở những người “nói không tuyệt đối”. Khảo sát do Quỹ Kaiser Family thực hiện cho thấy 71% số người chưa tiêm nói rằng việc cần phải tiêm mũi tăng cường chứng tỏ vaccine không hiệu quả. Một người trong số này là Christopher Poe, 47 tuổi, đang làm việc tại một xưởng sản xuất ở Lima, bang Ohio. Chưa tiêm mũi nào, ông Poe cho rằng việc cần tiêm bổ sung cho thấy nghi ngờ của ông về vaccine là đúng.
Gary Wiltz, giám đốc trung tâm y tế Franklin tại bang Louisiana nhìn nhận những trao đổi, thảo luận không biết mệt mỏi của giới bác sĩ, chuyên gia y tế về truyền thông vaccine nhằm vào nhóm người lớn tuổi, những bệnh nhân miễn cưỡng đã được đền đáp, khi số này chấp thuận tiêm mũi tăng cường. “Chúng tôi không phải thuyết phục số này. Họ đã ở đó và chấp nhận rồi”, ông Wiltz nói.
Nhưng khi thuyết phục người đã tiêm vaccine và đủ điều kiện tiêm mũi tăng cường, các bác sĩ sẽ lại phải đau đầu trước câu hỏi tại sao cần đến mũi tiêm thứ ba khi tiếp cận những người chưa tiêm mũi nào. “Giữa mũi tăng cường và nhóm chưa tiêm vaccine, đó hoàn toàn là hai chiến dịch khác biệt”, tiến sĩ Jennifer Avegno, Giám đốc Sở Y tế New Orleans chia sẻ.
Một thách thức khác đến từ thông điệp không nhất quán giữa Nhà Trắng và các cơ quan y tế liên bang. Tháng 8/2021, chính quyền Tổng thống Joe Biden nói rằng muốn tiêm mũi tăng cường cho tất cả người trưởng thành sau 8 tháng kể từ thời điểm tiêm mũi đầu tiên. Ý tưởng này nhận được sự ủng hộ của Giám đốc Trung tâm ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) Rochelle Walensky cũng như cố vấn trưởng Nhà Trắng về xử lý khủng hoảng COVID-19, ông Anthony Fauci.
Đến trung tuần tháng 9, Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) nói rằng tiêm mũi tăng cường cho toàn dân là không cần thiết. Và đến cuối tháng, FDA đã quyết định chỉ tiêm mũi tăng cường cho một số đối tượng nhất định, đó là người trên 65 tuổi và người có nguy cơ cao về nhiễm COVID-19 thể nặng. Mũi tăng cường sẽ được thực hiện ít nhất là 6 tháng sau khi hoàn tất mũi thứ hai. CDC sau đó quay sang ủng hộ kế hoạch này và công bố thông tin chi tiết về kế hoạch này.