Theo hãng tin Bloomberg, Thủ tướng Modi đang dẫn đầu một cuộc cải tổ sâu rộng trung tâm thủ đô Ấn Độ. Ngày 28/5 vừa qua, nhà lãnh đạo này đã khánh thành một tòa nhà quốc hội mới. Đây là một cấu trúc hiện đại 4 tầng được xây dựng với chi phí 9,7 tỷ rupee (khoảng 117 triệu USD). Tòa nhà mới dự kiến thay thế tòa nhà quốc hội cũ đã tồn tại hàng trăm năm, nơi hiến pháp độc lập của Ấn Độ trước đó được thông qua.
Tòa nhà quốc hội mới là một phần của dự án Central Vista — thiết kế lại dải di tích lịch sử và các tòa nhà chính phủ nằm giữa Cổng Ấn Độ và dinh tổng thống. Dự án đã khởi động ngay sau khi Thủ tướng Modi trở lại nắm quyền với nhiệm vụ thậm chí còn lớn hơn vào năm 2019 và dự kiến mất khoảng 200 tỷ rupee đầu tư.
Trước lễ khánh thành, Thủ tướng Modi đã kêu gọi người Ấn Độ chia sẻ đoạn video mà ông đăng trên Twitter quay lại hình ảnh tòa nhà quốc hội mới. (xem video dưới đây):
Việc tái phát triển khu vực chính phủ trở thành một trong những dự án kiến trúc đô thị gây tranh cãi nhất kể từ khi Ấn Độ giành độc lập. Một số nhà phê bình cho rằng dự án xóa bỏ một phần di sản của New Delhi kéo dài hơn một thế kỷ.
Lễ khánh thành được tổ chức nhân kỷ niệm 140 năm ngày sinh của nhà tư tưởng Hindutva Vinayak Damodar Savarkar, thường được gọi là Veer Savarkar. Thủ tướng Modi cũng đã đánh dấu việc khởi công xây dựng tòa nhà mới bằng một buổi lễ cầu nguyện của người Hindu vào tháng 12/2020.
Nilanjan Mukhopadhyay, một nhà phân tích chính trị ở New Delhi và là người tham gia viết tiểu sử của Thủ tướng Modi, cho biết: “Việc Thủ tướng Modi khánh thành tòa nhà quốc hội mới đánh dấu một thời điểm quan trọng trong nỗ lực của ông ấy để khẳng định mình là người đứng đầu một Ấn Độ theo chủ nghĩa dân tộc theo đạo Hindu mới”.
Chính quyền của Thủ tướng Modi cho biết dự án sẽ giúp đáp ứng nhu cầu có thêm không gian văn phòng và tạo ra những nơi ở hiện đại cho thủ tướng và phó tổng thống. Trong một bài phát biểu gần đây, Bộ trưởng Nội vụ Amit Shah cho biết dự án là một minh chứng cho tầm nhìn của ông Modi về việc hình thành một Ấn Độ mới kết hợp giữa sự hiện đại với di sản và truyền thống.
Năm ngoái, Thủ tướng Modi đã khánh thành một đại lộ tái phát triển từng được đặt tên để vinh danh Nhà vua Anh George V, Hoàng đế Ấn Độ vào thời điểm đại lộ được xây dựng. Nó được gọi là Kingsway theo tên một con đường huyết mạch tương tự ở London và sau đó được đổi tên thành Rajpath sau khi Ấn Độ giành được độc lập vào năm 1947.
Tuy nhiên, giờ đại lộ được gọi là Kartavyapath – có nghĩa là “Con đường nghĩa vụ”. Thủ tướng Modi lý giải quyết định đổi tên đại lộ sẽ xóa bỏ một biểu tượng khác của chủ nghĩa thực dân ở Ấn Độ.
“Rajpath - biểu tượng của chế độ nô lệ - đã trở thành câu chuyện quá khứ từ hôm nay và sẽ bị xóa sổ vĩnh viễn”, nhà lãnh đạo nhấn mạnh vào thời điểm đó.