Hãng thông tấn AFP (Pháp) cho biết ở thời điểm đó biểu tình xảy ra tại Tunisia, Ai Cập, Libya và Yemen. Và 8 năm sau, tinh thần của cái gọi là “Mùa xuân Arab” đã lan sang cả Sudan, Algeria, Iraq và Liban.
Mồi lửa Tunisia
Xuất phát điểm của Mùa Xuân Arab là ngày 17/12/2010 người bán hàng rong trẻ tuổi Mohamed Bouazizi uất ức vì bị cảnh sát trấn áp, đã tự thiêu trước văn phòng chính phủ ở trung tâm thị trấn Sidi Bouzid.
Vụ việc của Mohamed Bouazizi gây ra làn sóng phẫn nộ chưa từng có ở Tunisia. Đến ngày 4/1/2011 khi Bouazizi qua đời, biểu tình phản đối Tổng thống khi đó Zine El Abidine Ben Ali đã lan ra toàn Tunisia. Ông Zine El Abidine Ben Ali đã nắm quyền trong hơn 23 năm.
10 ngày sau đó, ông Ben Ali buộc phải chạy đến Saudi Arabia xin tị nạn. Chỉ trong vài tuần, biểu tình ủng hộ nền dân chủ đã lan sang cả Ai Cập, Libya và Yemen.
Tại Ai Cập, hàng trăm hàng nghìn người đã đổ ra đường phố yêu cầu Tổng thống khi đó Hosni Mubarak từ chức. Ông Hosni Mubarak đã giữ chức Tổng thống Ai Cập từ năm 1981.
Sóng ngầm hy vọng
Tiếng nói của người dân đã bùng phát mạnh mẽ, không chỉ ở quốc gia đơn lẻ mà khắp khu vực, khiến nhiều lãnh đạo phải từ chức.
Một khái niệm mới hình thành tại Trung Đông với người dân các quốc gia trong khu vực nhận ra rằng lãnh đạo lâu năm của họ không phải “người khổng lồ” và thay đổi có thể xuất phát từ bên trong.
Một sự kiện không thể tưởng tượng nổi đã xảy ra tại Ai Cập, ngày 11/2/2011, ông Mubarak từ chức.
Ngoài ông Ben Ali và Mubarak, các vị lãnh đạo khác phải từ chức như Moammar Gaddafi của Libya, Ali Abdullah Saleh tại Yemen và Omar al-Bashir của Sudan là những ví dụ về thay đổi từ Mùa Xuân Arab.
Sau Mùa Xuân Arab, các học giả đã đưa ra thuật ngữ Mùa Đông Arab để miêu tả về khoảng trống mà những chính quyền bị lật đổ để lại đã không được lấp đầy tương xứng với yêu cầu và nguyện vọng từ những người biểu tình và thậm chí bất ổn vẫn nảy sinh.
Năm 2012, người dân Ai Cập bỏ phiếu bầu cho ông Mohammed Morsi nắm giữ vai trò lãnh đạo. Nhưng đến năm 2013, tại Ai Cập xảy ra đảo chính do Bộ trưởng Quốc phòng Abdel Fattah al-Sisi dẫn đầu. Ông Abdel Fattah al-Sisi cầm quyền tới nay.
Phương Tây, đặc biệt là Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama, ban đầu lên tiếng ủng hộ những người biểu tình. Nhưng sau đó phương Tây đã ngưng can thiệp trực tiếp, trừ ngoại lệ là chiến dịch do Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) dẫn đầu để lật đổ ông Gaddafi ở Libya.
Phương Tây không còn duy trì ủng hộ kéo dài hàng thập niên đối với một số lãnh đạo trong khu vực và cũng không tiếp nối bằng việc hỗ trợ những chính quyền kế nhiệm. Đến nay, tại Yemen xảy ra tình trạng suy dinh dưỡng nghiêm trọng trong khi Libya rơi vào xung đột liên miên.
Bài học còn lại
Giáo sư Arshin Adib-Moghaddam tại Trường Nghiên cứu Phương Đông và châu Phi London đánh giá yêu cầu then chốt của người biểu tình trong cái gọi là làn sóng Mùa Xuân Arab vẫn âm ỉ và sẽ “sôi sục khi có cơ hội tiếp theo như một sóng thần chính trị”.
“Cách mạng Hoa nhài” tại Tunisia được coi là ví dụ cho thấy Mùa Xuân Arab có thể chuyển biến thành công. Không có nhiều đổ máu, đảng cầm quyền Ennahdha đã có chuyển giao tiếp quản quyền lực khá suôn sẻ sang nền chính trị mới.
Tuy nhiên, không có nhiều quốc gia Trung Đông-Bắc Phi có được kết cục như Tunisia và nhìn chung dư luận vẫn cho rằng Mùa Xuân Arab về cơ bản vẫn không giải quyết được những bất ổn, căng thẳng nội tại tồn tại dai dẳng tại các nước ở khu vực này. Thậm chí, Mùa Xuân Arab đã đẩy một số quốc gia vào đói nghèo và nội chiến, như trường hợp của Libya hay Syria. Sau một thập niên, máu vẫn đổ và xung đột, căng thẳng và nguy cơ chiến tranh vẫn lơ lửng trên đầu người dân.