Vào thời điểm đó, ông Dieter Schürmann, đứng đầu đơn vị cảnh sát chống tội phạm của bang North Rhine-Westphalia cho biết một đối tượng đã thực hiện vụ tấn công bằng xe tải tại chợ Giáng sinh Breitscheidplatz ở trung tâm thủ đô Berlin vào ngày 19/12/2016. Vụ tấn công đã khiến 12 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương. Cơ quan điều tra cho biết vào tối 19/12/2016, nghi phạm Amri đã cướp một chiếc xe tải biển số Ba Lan rồi lao xe vào chợ Giáng sinh.
Đối tượng bị tình nghi được xác định có tên là Anis Amri – người từng bị nhà chức trách bang North Rhine-Westphalia liệt vào danh sách những kẻ tiềm ẩn nguy cơ gây ra các vụ tấn công từ tháng 2/2016. Khoảng 6 tháng sau, Amri đến Đức để xin tị nạn. Ông Schürmann nói: "Người này thể hiện có nhiều âm mưu và sử dụng nhiều cái tên khác nhau".
Trong phần lớn thời gian có mặt tại Đức, Amri đi lại và sống giữa bang North Rhine-Westphalia và thủ đô Berlin, nơi các chuyên gia tình báo cũng đánh giá đó là một người tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Tuy nhiên, các chuyên gia an ninh lại thống nhất cho rằng, Amri không phải là mối đe dọa cụ thể.
Trong khi đó, nhà chức trách Italy cho biết Anis Amri từng là một tù nhân có vấn đề trong thời gian y bị giam giữ ở Italy. Bộ Tư pháp Italy đã xác nhận các thông tin trên báo chí rằng Anis Amri đã nhiều lần bị nhắc nhở và bị điều chuyển giam giữ tại nhiều nhà tù khác nhau ở khu vực Sicily. Hồ sơ các nhà tù ở Italy cho thấy Amri đã từng bắt nạt bạn tù và thường tìm cách kích động bạo loạn.
Tổng cộng Amri đã bị giam giữ tại 6 nhà tù ở Sicily, nơi y phải thụ án 3,5 năm tù giam do tội phóng hỏa một trung tâm tiếp nhận người tị nạn cùng với một số tội danh khác. Amri đến Italy vào năm 2011 bằng đường biển cùng với hàng chục nghìn thanh niên Tunisia khác, trong thời gian xảy ra “Mùa xuân Arab”.
Ba ngày sau khi gây án, Amri bị cảnh sát Italy tiêu diệt trong một cuộc đấu súng ở ngoại ô thành phố Milan, sau khi đối tượng này chạy trốn từ Đức sang Hà Lan, Bỉ, Pháp rồi đến Italy. Bộ trưởng Nội vụ Italy Marco Minniti ngày 30/12/2016 cho biết Anis Amri đã hành động như “một con sói đơn độc” kể từ khi y đặt chân đến Italy.
Tuy nhiên, nhà chức trách Đức vẫn tiếp tục tiến hành phối hợp với các nước để điều tra khả năng tên này đã nhận được sự hỗ trợ trong thời điểm trước hoặc sau vụ tấn công.
Vào ngày 28/12/2016, các công tố viên Đức cho biết họ đã bắt giữ một người đàn ông Tunisia 40 tuổi, người mà họ nghĩ có thể có liên quan đến vụ tấn công. Amri đã lưu số của người đàn ông này trong điện thoại của mình. Tuy nhiên, người đàn ông này đã được thả ra vì không có bằng chứng liên can.
Ngày 3/1/2017, cảnh sát Đức đã đột kích vào nhà của 1 người đàn ông Tunisia, 26 tuổi bị nghi ngờ đã liên lạc với Amri và biết về vụ tấn công vì người này là bạn cũ của Amri. Người này đã bị bắt giữ để tiến hành điều tra do có nghi ngờ đã lên kế hoạch hoặc nắm được một phần kế hoạch tấn công khủng bố của Amri.
Trước đó vào ngày 24/12/2016, chính quyền Tunisia đã bắt giữ 3 người đàn ông bị nghi ngờ liên kết khủng bố bao gồm cháu trai của Amri. Họ tuyên bố rằng Amri đã thúc giục cháu trai của mình tham gia tổ chức khủng bố và đã gửi tiền cho anh ta để đi du lịch đến châu Âu. Bên cạnh đó, một người khác cũng được thông báo đã bị bắt vào ngày 7/1 tại Tunisia liên quan đến vụ án. Tuy nhiên, cả bốn người đã được thả vào ngày hôm sau vì họ không tìm thấy có liên kết đến vụ tấn công hoặc bất kỳ nhóm khủng bố nào.