Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) ngày 2/7 cho biết hàng loạt hiệu thuốc tại Indonesia đều ghi nhận cơn sốt Ivermectin. Trong khi đó, các trang thương mại điện tử tại nước này như Bukalapak và Shopee đều cháy hàng loại thuốc này.
Ivermectin được truy lùng trong những ngày gần đây sau khi một số quan chức cấp cao Indonesia quảng bá hiệu quả của thuốc. Trong khi đó, người dân ngày càng lo lắng khi các bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải vì dịch COVID-19. Indonesia là quốc gia có số trường hợp mắc COVID-19 cao nhất Đông Nam Á với trên 2,1 triệu người và trên 58.000 người tử vong.
Chánh văn phòng Tổng thống Indonesia, ông Moeldoko, đánh giá: “Với dữ liệu nắm được, chúng tôi khá lạc quan rằng Ivermectin là loại thuốc hiệu quả để chữa cho bệnh nhân COVID-19”. Ông Moeldoko cũng khẳng định Ivermectin có thể được sử dụng hiệu quả tại 15 quốc gia khác để điều trị COVID-19.
Cựu Bộ trưởng Hàng hải và Nghề cá Indonesia-bà Susi Pudjiastuti cũng ca ngợi thuốc Ivermectin. Trong một video đăng trên mạng xã hội Twitter ngày 30/6, bà Pudjiastuti cho biết đã uống Ivermectin kết hợp với Paracetamol và vitamin sau khi tự cách ly vì COVID-19 bởi các bệnh viện ở Jakarta đã quá tải. Bà Pudjiastuti chia sẻ với 2,5 triệu người theo dõi Twitter rằng bà đã có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2 sau 7 ngày tự cách ly.
Phóng viên của This Week In Asia đã mua được 10 viên Ivermectin với giá 17,2 USD tại hiệu thuốc mặc dù đây là loại cần được bác sĩ kê đơn. Dược sĩ nói với phóng viên này rằng uống 1 viên Ivermectin trong 5 ngày liên tiếp có thể “đuổi” virus SARS-CoV-2 khỏi cơ thể người bệnh.
Ngoài Indonesia, nhiều người dân tại Malaysia và Philippines cùng Ấn Độ cũng quan tâm đến Ivermectin. Philippines đã thông qua sử dụng Ivermectin cho bệnh nhân COVID-19 tại một số bệnh viện.
Trong khi đó, tại Ấn Độ vào tháng 5 xuất hiện thông tin rằng đã có 2 tiểu bang lên kế hoạch điều trị bệnh nhân COVID-19 bằng Ivermectin. Ở Malaysia, mặc dù Bộ Y tế thông báo vẫn đang trong quá trình thử nghiệm nhưng đã xuất hiện ý kiến trái chiều về sử dụng Ivermectin.
Những quốc gia này đều có chương trình tiêm vaccine được cho là còn chậm chạp. Ví dụ Philippines tính đến ngày 20/6 mới có 2,1 triệu người được tiêm đủ 2 mũi vaccine trong khi mục tiêu của nước này là đến hết năm nay tiêm cho 70 triệu dân. Indonesia cũng mới chỉ có 12,7 triệu người được tiêm đủ 2 mũi vaccine, tương đương 7% dân số. Malaysia mới ghi nhận 32 triệu người được tiêm tối thiểu 1 liều vaccine và 7% dân số đã tiêm đủ 2 liều.
Ông Irandi Putra Pratomo tại Bệnh viện đại học Indonesia ở Depok đánh giá các chính khách nước này đã hạ thấp vai trò của các tiến trình khoa học khi xem xét giải pháp dành cho điều trị COVID-19. Ông nói: “Các chính khách nên tìm lời khuyên từ chuyên gia thay vì lấy câu trả lời từ kinh nghiệm bản thân hoặc thông tin chưa kiểm chứng trên Internet. Đây không phải cách sáng suốt để vượt qua dịch COVID-19”.
Ngay cả Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong tháng 3 khuyến cáo Ivermectin chỉ được sử dụng trong thử nghiệm lâm sàng và bằng chứng về việc dùng loại thuốc này chữa cho bệnh nhân COVID-19 là “không thuyết phục”.
Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) cũng nhấn mạnh về rủi ro và cho biết đã nhận nhiều thông báo về bệnh nhân phải nhập viên sau khi tự điều trị bằng Ivermectin.
Đại học Oxford (Anh) trong tháng 6 đã tiến hành thử nghiệm Ivermectin nhằm mục tiêu hỗ trợ những người mắc COVID-19 không nhập viện được hồi phục. Kết quả thu được đến nay cho thấy qua nghiên cứu phòng thí nghiệm, virus tái tạo đã giảm.
Ông Jeremy Lim tại Trường Y tế công cộng Saw Swee Hock thuộc Đại học Quốc gia Singapore đánh giá các thông tin sai lệch “không may lại thu hút” hơn thông báo nghiêm túc và cần phải chờ đợi thêm dữ liệu. Ông Jeremy Lim cũng đề cập: “WHO đã cảnh báo về đại dịch thông tin kèm theo COVID-19 và thế giới cần đầu tư chú ý hơn vào việc tìm ra vaccine và phương pháp hiệu quả để xử lý dịch bệnh này”.