Ngày 9/12, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian tuyên bố Cơ quan Quốc phòng và An ninh Quốc gia Pháp (SGDSN) đang điều tra cáo buộc Nga liên quan đến các cuộc biểu tình tại Pháp. Đáp lại, Điện Kremlin khẳng định Nga coi vụ biểu tình là vấn đề nội bộ của Pháp và gọi cáo buộc Nga liên quan đến cuộc biểu tình là vu khống. Moskva đã nhiều lần bác bỏ các cáo buộc can thiệp vấn đề nội bộ và âm mưu làm ảnh hưởng đến tình hình các quốc gia khác.
Ngày 16/12, Olga Ivshina - phóng viên đài truyền hình BBC tại Moskva - thừa nhận hãng tin đang tìm kiếm bất kỳ bằng chứng nào chứng minh Nga đứng sau cuộc bạo loạn đang bước sang tuần thứ 6 tại Pháp, và yêu cầu phóng viên của đài tìm những bằng chứng hướng đến việc đổ tội cho Nga. Sau đó, Văn phòng BBC tại London cũng xác nhận với đài phát thanh Sputnik, rằng phóng viên của họ tại văn phòng Moskva thực sự đang điều tra vai trò của Nga trong phong trào biểu tình “Áo vàng”.
Theo Adriel Kasonta - nhà phân tích các vấn đề đối ngoại ở London, toàn bộ diễn biến này là một phần của “cuộc săn phù thủy” đang diễn ra chống lại Nga.
“Nó chỉ là sự tiếp diễn trong chiến thuật ‘săn phù thủy’ đối với Nga để che đậy những sai lầm hay chính sách yếu kém tại một số nước”, chuyên gia phân tích Kasonta nhận định. Cũng theo chuyên gia này, chiến thuật của BBC và truyền thông phương Tây có phần phản tác dụng.
“Họ không sẵn lòng đánh giá lại chính sách, tự hỏi chính mình câu hỏi vì sao mọi người lại tràn ra đường phố biểu tình, mục đích của những người đó là gì… BBC đang tìm cách khơi mào một cuộc chiến chống Nga. Trong khi đó, kênh truyền hình RT cố gắng có những quan điểm, hình ảnh đối ngược và trung lập nhất. Đó cũng là điều mà Sputnik đang làm”.
Ông Kasonta lưu ý khi người dân tràn ra đường phố, điều đó không đồng nghĩa với việc họ bị truyền thông Nga làm cho ảnh hưởng. “Nó là một điều gì đó tự nhiên trong xã hội. Trong xã hội dân chủ, mọi người thường tự giành lấy quyền lợi của mình và ra đường để biểu tình”.
Chuyên gia Kasonta kết luận Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Mỹ và Anh là những nước đang được hưởng lợi từ việc “trù dập” Nga. BBC chỉ đơn giản là “bật công tắc” cho quá trình này.
Trả lời về vấn đề trên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hối thúc Anh công khai xem xét các hoạt động của đài BBC, khi đài này đi ngược với tôn chỉ “tiếp cận độc lập và không thiên vị trong báo chí”. Thay vào đó, BBC tìm mọi “bằng chứng” Nga có tội và thậm chí còn đưa tin “giả mạo”.