Hiện danh sách nạn nhân đã lên tới hàng trăm người, trong đó cơ quan chức năng xác nhận có 3 trẻ em. Những người bị thương được chuyển đến chăm sóc y tế tại các bệnh viện thành phố và đáng tiếc là không ít người bị thương nặng. Ngay đêm xảy ra vụ khủng bố 22/3 chính quyền thành phố đã thông báo các địa chỉ hiến máu tự nguyện để người dân có thể góp sức mình hỗ trợ đồng bào.
Tại Trung tâm Huyết học mang tên Golikova ở Moskva, hàng người dài xuất hiện từ khi trời còn chưa sáng. Những người đến hiến máu xếp thành hai hàng, hàng nhóm máu Rh+ và hàng Rh-. Hàng Rh- ngắn hơn nhiều vì đây là nhóm máu hiếm, cần được ưu tiên trước.
Sau vụ khủng bố, tình hình an ninh được siết chặt, các biện pháp kiểm tra trên các phương tiện giao thông công cộng cũng được tăng cường ở mức cao nhất song không gây phiền nhiễu quá đến sự đi lại của người dân. Dẫu vậy giờ đây việc sử dụng phương tiện công cộng chắc chắn có gây ra lo ngại cho một số người.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Moskva, chị Ella - một người đi hiến máu - thú thật đến giờ chị vẫn chưa hết sợ và có lẽ sẽ cố gắng tránh những nơi tụ tập đông người được càng nhiều càng tốt. Mới hai tuần trước, Ella và bạn đi xem ca nhạc ở chính nhà hát Crocus City Hall, vì vậy khi vụ tấn công được thông báo trên truyền hình, chị không thể tin vào tai mình: “Nước mắt tôi cứ chảy dài. Tôi thật sự sốc”. Những hình ảnh nhìn thấy về vụ khủng bố thôi thúc chị phải làm điều gì đó để giúp các nạn nhân. Vượt qua những e ngại lo lắng, chị đến Trung tâm Huyết học Golikova để hiến máu theo địa chỉ mà chính quyền thành phố thông báo rộng rãi.
Cùng xếp trong hàng nhóm máu hiếm, anh Phedor tỏ ra bình tĩnh hơn nhiều. Rời khỏi nhà từ 6h30 sáng, anh không ngạc nhiên khi mình không phải là người đầu tiên. Anh cho biết, trách nhiệm công dân là điều đầu tiên anh nghĩ đến. Với Phedor, nước Nga rộng lớn là một gia đình và khi Tổ quốc cần là tất cả mọi người dân đều hưởng ứng, đều sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau trong lúc nguy nan.
Bất chấp thời tiết giá lạnh, hàng người đến xếp hàng để hiến mau cứ dài thêm, người hiến máu xong ra về thì người mới lại đến. Hàng người dài đến hàng trăm mét kiên nhẫn chờ đến lượt mình. Lực lượng tình nguyện chốc chốc lại đi phát trà nóng và cung cấp bánh kẹp miễn phí. Tất cả đều cố gắng đóng góp phần sức lực trong chiến dịch chống khủng bố, kề vai sát cánh bên nhau trong những giờ phút khó khăn của đất nước.
Tình nguyện viên Ksenhia nói đơn giản là cô mong muốn làm được gì đó cho đất nước mình như đông đảo bạn bè cùng học với cô. Có mặt từ sáng sớm Ksenhia đánh giá mọi người đến hiến máu tuy có buồn nhưng đều rất bình tĩnh.
Do bên trong điểm hiến máu quá đông, chỉ đủ chỗ cho nhân viên và người hiến máu, nên chỉ từng tốp người tình nguyện được vào hiến. Ngay phóng viên cũng tác nghiệp ở bên ngoài để không làm chậm công việc của các nhân viên lấy máu. Có người hiến máu ở xa rời nhà từ 5h sáng để 8h30 kịp xếp hàng. Có người xếp hàng đến lượt thì không thể hiến máu do đang dùng các loại thuốc điều trị khác. Tất cả đều không than phiền, họ chỉ hướng về một mục tiêu duy nhất là giúp đỡ nhanh nhất, hiệu quả nhất cho đồng bào của người mình.
Bạn của Ksenhia là Emil đã từng làm tình nguyện viên nhiều lần, song đây là lần đầu anh tham gia một chiến dịch khẩn cấp và có tầm quan trọng như thế này. Đến giờ anh vẫn không thể hiểu tại sao những kẻ khủng bố có thể gây ra tội ác dã man đến như vậy.
Trong lịch sử, nước Nga đã chịu nhiều cuộc khủng bố, Beslan, rồi nhà hát Dubrovka, song trong niềm tin của những người bình thường như Emil, Phedor hay Ksenhia nhút nhát và e dè, thảm họa luôn gắn kết mọi người dân Nga, tập trung họ lại, sau mỗi lần như vậy đất nước lại đoàn kết hơn và đó chính là sức mạnh để chiến thắng mọi kẻ thù. Như trong phát biểu ngày 23/3 trên truyền hình về vụ tấn công khủng bố tại nhà hát Crocus City Hall, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định nước Nga luôn trở nên mạnh mẽ hơn qua những thử thách khó khăn nhất và bây giờ cũng sẽ là như vậy.