Tuy nhiên, sự ra đời của những chiếc máy làm đá giá rẻ đã khiến món ăn này trở nên “bình dân hóa” và dần đánh mất vị thế vốn có của mình.
Mặc dù vậy, trong những năm trở lại đây, kakigori đang có xu hướng hồi sinh như một món tráng miệng cao cấp, được làm và trang trí tỉ mỉ với nguyên liệu chính là đá tuyết tự nhiên cùng các loại trái cây tươi hảo hạng, thay vì chỉ có siro và các hương vị nhân tạo như trước đây.
Yamamoto là một trong số hiếm hoi những nhà sản xuất kakigori vẫn kiên cường trụ lại với nghề cho đến nay. Vào thời điểm 13 năm trước, khi ông bắt đầu bước chân vào lĩnh vực này, một suất đá bào chỉ có giá khoảng 200 yen (tương đương 2 USD) và việc sản xuất dễ dàng vô cùng.
Khi ấy, ông Yamamoto cho rằng thật khó để cạnh tranh về giá với những sản phẩm được sản xuất hàng loạt từ các máy làm đá. Thay vào đó, ông quyết định biến kakigori thành một món tráng miệng sang trọng, được làm bằng đá tuyết tự nhiên được lấy trên những vùng núi Nhật Bản và trái cây cao cấp xay nhuyễn, cùng với cách thức bài trí đầy cầu kỳ và tinh tế.
Ban đầu, một ly kakigori của ông Yamamoto có giá 800 yen, còn một hộp đá tuyết có giá 9.000 yen, cao gấp bốn lần mức giá chung của thị trường vào thời điểm đó bởi quá trình sản xuất và thu hoạch đá tuyết tự nhiên rất vất vả. Kết quả là có những ngày ông đã phải vứt đi hàng tấn đá vì không thể tìm thấy khách hàng.
Trước kakigori, Nhật Bản đã từng chứng kiến những câu chuyện tương tự với các mặt hàng thủ công và thực phẩm truyền thống, khi các sản phẩm cao cấp và sử dụng nhiều nhân công dần bị thay thế bởi những lựa chọn rẻ hơn do máy móc sản xuất.
Trong khi đó, quá trình sản xuất đá tuyết tự nhiên rất gian nan và nhiều công đoạn. Bắt đầu vào mùa Thu, các công nhân sẽ đào một hố có kích thước giống như bể bơi và bắt đầu đổ nước suối vào. Sau đó, khi mùa Đông đến, lớp đá và tuyết ở trên cùng sẽ được cạo bỏ đi cùng với bụi bẩn và lá rụng, phần sau đó là lớp băng đặc để cạo và tạo ra đá tuyết. Tuy nhiên, cần phải được chăm sóc tỉ mỉ bằng cách dọn sạch những hạt tuyết rơi để tránh làm chậm quá trình đóng băng.
Điều kiện thời tiết cũng có thể làm hỏng quá trình này, ví dụ mưa rơi sẽ tạo ra các vết nứt khiến toàn bộ lô đá bị loại bỏ. "Tôi kiểm tra dự báo thời tiết 10 lần một ngày", ông Yamamoto nói.
Khi khối băng dày đến 14 cm (5,5 inch), mà thường phải mất ít nhất hai tuần để đạt đến độ dày này, các công nhân bắt đầu cắt thành các khối hình chữ nhật, mỗi khối nặng khoảng 40 kg (88 pound) và được đưa vào phòng giữ nhiệt. Những khối này sau đó sẽ được bán cho một số cửa hàng đá bào cao cấp tại Tokyo và một số cửa hàng bách hóa.
Tại quận Yanaka, có đến hơn 1.000 người xếp hàng mỗi ngày để thưởng thức hương vị kakigori được làm từ đá tuyết tự nhiên tại cửa hàng do ông Koji Morinishi làm chủ. Bí quyết tạo ra sự khác biệt này, theo ông Koji Morinishi, đá tuyết được làm tự nhiên có kết cấu khác với các sản phẩm làm đại trà bằng máy.
Bản thân ông Morinishi từng phải vật lộn khi mở cửa hàng kakigori lần đầu tiên, nhưng sau đó đã dần gây dựng nên một thương hiệu cho món tráng miệng của mình với các loại trái cây thượng hạng như xoài, dưa hấu, đào...
Trong khi đó, ông Yamamoto cũng nhận thấy nhu cầu kakigori tăng cao. Hiện ông đang thu hoạch 160 tấn đá tuyết mỗi năm và cho biết thị trường đã đón nhận thêm một vài nhà sản xuất mới. Ông nói: "Công việc kinh doanh này đã trở nên hấp dẫn và các nhà sản xuất đá tuyết hiện đều bận rộn".