Mối đe dọa từ ô nhiễm chất độc

Dựa trên số liệu từ hơn 1.000 đánh giá rủi ro tại các địa điểm ô nhiễm trên thế giới trong hai năm qua của Viện Blacksmith - một tổ chức hoạt động vì môi trường của Mỹ, một trong những mối đe dọa lớn nhất đến sức khỏe con người và cũng là vấn đề ít nhất được ghi nhận nhất hiện nay là hàng ngày vẫn có hơn 100 triệu người trên thế giới đang "thở" và "ăn" các chất ô nhiễm độc hại như thủy ngân, chì và crôm.


Trong khi đó, nhân loại chỉ đang hướng sự chú ý và chi hàng tỷ USD cho phòng chống bệnh AIDS, lao và sốt rét.

Hàng triệu người dân trên thế giới đang phải sống chung với chất độc trong môi trường.

Chủ tịch Viện Blacksmith, Richard Fuller cho biết sức khỏe của khoảng 100 triệu người tại các nước đang phát triển đang bị đe dọa do vấn đề ô nhiễm.


Theo Chủ tịch Fuller, những địa điểm độc hại hiếm khi do các tập đoàn đa quốc gia gây ra, mà thường do các doanh nghiệp địa phương, các ngành công nghiệp thủ công như khai thác vàng hoặc tái chế pin chì gây ra.

Điển hình, một trong các trường hợp ô nhiễm nghiêm trọng nhất là tại tiểu bang Zamfara, phía tây bắc Nigiêria, các bác sĩ của Tổ chức Bác sĩ Không Biên giới (MSF) cho biết khi đến thăm khu vực này hồi đầu năm nay, họ hầu như không thấy một đứa trẻ nào tại các làng, sau đó, họ mới được biết đã có hơn 400 trẻ em chết vì nhiễm độc chì cấp tính và khoảng 2.500 trẻ còn lại đang được cấp cứu do nhiễm độc chì.


Theo điều tra, một số trẻ em tại đây có mức nhiễm độc chì cao nhất từ trước tới giờ.

Chì là một chất độc thần kinh mạnh, vì vậy, khi bị nhiễm độc kim loại này, hệ thần kinh và não vốn rất nhạy cảm của trẻ em sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều trẻ có thể bị tổn thương thần kinh và não vĩnh viễn.


Các bác sỹ cho biết nếu nồng độ chì trong máu cứ tăng 5 điểm/năm, nó sẽ làm suy giảm tương ứng 4 điểm trong chỉ số IQ, khiến trẻ bị khuyết tật về trí tuệ. Trong khi đó, đa phần người dân làm nghề khai thác vàng tại Nigiêria không hề biết rằng các quặng vàng chứa hàm lượng chì rất cao, do đó, việc khai thác vàng tại các khu làng đã khiến trẻ em hít một lượng bụi chì lớn.

Viện Blacksmith cho biết họ đang làm việc với chính quyền địa phương tại Nigeria và một công ty có trụ sở tại Mỹ để "làm sạch" một số làng và đất của họ.


Đây là một trong nỗ lực lớn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh của Mỹ (CDC), MSF và nhiều đối tác khác, song tổng chi phí cho việc làm sạch là một con số không nhỏ (khoảng 3 triệu USD). Trong khi đó, không có một tổ chức quốc tế nào đứng ra hỗ trợ tài chính cho chương trình nói trên, vì vậy, để tìm kiếm khoản tiền này là một khó khăn lớn.

Bret Ericson, người đứng đầu "Dự án Thống kê Toàn cầu" của Viện Blacksmith cho biết, trong 2 năm qua, ông đã phối hợp với hơn 160 điều tra viên để tìm kiếm và đánh giá các địa điểm độc hại trên thế giới. Thậm chí, tại một số nơi, người dân buộc phải nhặt rác ở các địa điểm độc hại để tồn tại.

Tại Trung Á, nhiều cộng đồng người đang sống gần các địa điểm xả chất thải trong quá trình khai thác uranium và họ thở, uống, ăn thực phẩm bị nhiễm chất thải phóng xạ.


Theo ông Stephan Robinson thuộc tổ chức Green Cross của Thụy Sĩ, một nhóm nghiên cứu về tác động của môi trường đến sức khỏe và là đồng tác giả của báo cáo mang tên "Những vấn đề gây ô nhiễm nhất thế giới trong năm 2010", điều này rất tồi tệ đối với trẻ em và gây nguy hiểm đến sức khỏe.

Blacksmith cho biết, nhiều quốc gia hoàn toàn thiếu chuyên môn kỹ thuật và năng lực để đối phó với các địa điểm độc hại, mặc dù một số địa điểm hoàn toàn có thể "làm sạch" với một khoản chi phí nhỏ từ 100.000 - 300.000 USD.


Tính đến nay, Blacksmith và các đối tác của mình đã làm sạch khoảng 20 địa điểm với ngân sách khoảng 30 triệu USD. Và viện này đang làm việc với Green Cross để ngăn chặn những địa điểm ô nhiễm trên thế giới.

Ông Robinson khẳng định những vấn đề ô nhiễm có thể xử lý với chi phí thấp và hiệu quả. Hiện các dự án "làm sạch" do Green Cross thiết kế rất đa dạng và phong phú từ dự án có chi phí thấp, công nghệ đơn giản cho đến dự án ứng dụng kỹ thuật cao hơn như khắc phục nguồn nước ngầm.

Các chuyên gia nhấn mạnh sự tài trợ của quốc tế là rất cần thiết, để giải quyết những vấn đề ô nhiễm trên, vốn có tác động lớn đến đời sống của hàng trăm triệu người trên thế giới.


Viện Blacksmith hy vọng sẽ thiết lập một quỹ y tế, để thu thập và phân phối các khoản đóng góp từ các quốc gia và các nhà tài trợ, nhằm giải quyết các vấn đề ô nhiễm được cho là tồi tệ nhất.

TKT         

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN