Cô Krista Aoki công dân Mỹ gốc Nhật chia sẻ: “Hầu hết mọi người biết về cách ứng phó của Việt Nam đối với đại dịch COVID-19 qua bài hát “Ghen Cô Vy”, vốn trở thành hiện tượng sau khi được trình chiếu trên chương trình Last Week Tonight của John Oliver trên kênh HBO (Mỹ). Tuy nhiên, ngoài bài hát đó, tôi cho rằng Việt Nam là quốc gia đang dẫn đầu trong cuộc chiến chống COVID-19 đồng thời là ví dụ điển hình để các nước nghiên cứu và học hỏi. Việt Nam không miễn nhiễm với virus. Các trường hợp nhiễm bệnh được thông báo trên toàn quốc và trong giai đoạn ủ bệnh, đất nước này đã chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất".
"Là một người ngoài cuộc, tôi thấy rõ Việt Nam đã chọn cách tiếp cận chăm sóc con người trước, lo ngại cho nền kinh tế sau. Cách tiếp cận này cho thấy cuộc sống của con người là nền kinh tế. Việt Nam đã làm theo những khuyến nghị của WHO về xét nghiệm, điều trị và lần dấu người tiếp xúc với bệnh nhân. Chính phủ Việt Nam đóng vai trò chủ động, tích cực trong việc giáo dục cộng đồng về virus Corona chủng mới. Quan sát cách giáo dục sáng tạo, tiên tiến của Việt Nam chứng tỏ đất nước này đã phản ứng nhanh như thế nào để đoàn kết xử lý đại dịch”, cô Aoki bổ sung.
Tác giả Ian Lamont làm việc cho trang ayrshirecu.com nhận định: “Vào lúc kết thúc lớp học trực tuyến ngày 4/4, một trong những học sinh của tôi, Justin 12 tuổi (tên cậu ấy đã chọn), nói rằng có một tin tốt muốn chia sẻ, đó là nhiều kênh truyền thông thông báo Việt Nam ghi nhận không có trường hợp nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. mới nào. Tôi nói rằng đó là tin tức đáng kinh ngạc và tôi hỏi Justin cảm thấy thế nào về điều này. Justin nói: “Em rất vui vì mọi người ở Việt Nam cùng nhau ngăn chặn virus Corona”.
Ông Ian Lamont tin rằng thái độ của Justin phản ánh phần lớn thái độ của người Việt Nam trong thời điểm khó khăn này, và là một trong nhiều yếu tố dẫn đến việc Việt Nam rất thành công trong xử lý dịch COVID-19. Việt Nam là một quốc gia nơi mọi người tự hào về cộng đồng của họ.
Chuyên gia Robyn Klingler-Vidra là Giảng viên cao cấp về Kinh tế chính trị thuộc Khoa phát triển quốc tế tại Trường King College London; Ida Uusikyla - tư vấn sáng kiến tại Phòng thí nghiệm của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Việt Nam và Ba-Linh Tran là nhà nghiên cứu và tư vấn Việt Nam trong quản lý giáo dục đại học đã thực hiện bài viết về bộ xét nghiệm COVID-19 của Việt Nam.
Bài viết của ba chuyên gia trên có nội dung: “Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên phát triển kit xét nghiệm COVID-19 giá rẻ phải chăng và xuất khẩu sang châu Âu. Đất nước này hiện có ba bộ xét nghiệm giá rẻ. Họ đã làm điều đó như thế nào? Các nhà hoạch định chính sách ở các nền kinh tế tiên tiến và mới nổi có thể học hỏi được gì từ việc Việt Nam nhanh chóng phát triển được bộ xét nghiệm giá rẻ?
Thứ nhất là do cải tiến dựa trên các phương pháp tiếp cận sẵn có: Viện hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam (VAST) và IMM đã phát triển bộ dụng cụ thử nghiệm của riêng họ dựa trên kỹ thuật RT-PCR thời gian thực, được WHO khuyến nghị.
Bên cạnh đó là việc Nhà nước đứng ra hiệu triệu và vận động: Chính phủ Việt Nam đã hành động sớm tập hợp các nhóm và nguồn lực có liên quan để thúc đẩy các nỗ lực trên diện rộng. Điều này cho thấy sức mạnh của chính phủ trong vận động quân đội, xã hội và giới khoa học.
Ngoài ra còn vì nhiệm vụ chung: Nhiệm vụ chung của xã hội Việt Nam trong việc xử lý COVID-19, kết hợp với năng lực huy động của nhà nước, đã thúc đẩy phản ứng nhanh chóng. Nhà nước nhanh chóng xây dựng công thức đối với COVID-19, phối hợp giữa các bộ, tổ chức nghiên cứu và xã hội dân sự khác nhau.
Hợp tác giữa khu vực tư nhân và các trường đại học: Bộ test kit của UOT không phải là một sáng kiến từ trên xuống mà là một dự án cơ sở của hai giảng viên, Tiến sĩ Hoa Lê và Tiến sĩ Hà Nguyên.
Cuối cùng, bài viết đúc kết về điều có thể học hỏi gì từ Việt Nam: COVID-19 là một phép thử chưa từng có tiền lệ về năng lực nhà nước trên toàn cầu, đặc biệt là các quốc gia có khả năng bảo vệ hạnh phúc của công dân. Một trong những yếu tố quyết định chủ chốt của một quốc gia để giảm thiểu bùng phát đại dịch là thông qua huy động rộng rãi các thành phần khác nhau trong xã hội để đối phó với khủng hoảng. Đó là về mức độ mà nhà nước có thể điều phối đổi mới một cách hiệu quả, và trong trường hợp này, liên quan đến công tác xét nghiệm. Vì những lý do này, trường hợp phát triển bộ xét nghiệm giá rẻ của Việt Nam cung cấp hiểu biết hữu ích đối với vấn đề rộng hơn về COVID-19 và năng lực của nhà nước.
Đại diện Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh của Mỹ tại Thái Lan, John MacArthur phân tích: “Việt Nam sớm có cam kết chính trị ở cấp cao nhất và cam kết chính trị đó đã đi từ trung ương xuống đến từng thôn, xóm”.
Một số ít chuyên gia tỏ ý nghi ngờ về số liệu cho thấy bệnh nhân nhiễm COVID-19 ở Việt Nam tương đối thấp, nhưng ông MacArthur thì không: “Nhóm chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với các đối tác ở Bộ Y tế Việt Nam, những thông tin tôi có ở thời điểm này là không có một bằng chứng nào cho thấy số liệu của Việt Nam là giả mạo”.
Minh Cuong Duong, bác sĩ và chuyên gia dịch tễ học tại Sydney (Australia): “Việt Nam đang xử lý thành công đại dịch COVID-19. Chọn đúng thời điểm để nới lỏng các biện pháp kiểm soát mạnh tay là một vấn đề quan trọng. Đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, cơ sở và nhân viên y tế đầy đủ, an sinh xã hội là những yếu tố cần thiết để Việt Nam duy trì thành công hiện nay trong cuộc chiến chống dịch COVID-19”.