Bảy ngày liên tiếp Việt Nam không có ca mới mắc COVID-19; Hà Nội nới lỏng hoạt động kinh tế

Theo Bộ Y tế, tính đến 18 giờ ngày 22/4, liên tiếp trong 7 ngày Việt Nam không có ca mới mắc COVID-19, tổng số người mắc bệnh vẫn giữ nguyên 268 trường hợp. Trong đó, có 160 người từ nước ngoài chiếm 59,7%; 108 người lây nhiễm trong cộng đồng chiếm 40,3%.

Hiện tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 67.022 trường hợp, trong đó cách ly tập trung tại bệnh viện 358 người; cách ly tập trung tại cơ sở khác 18.263 trường hợp; cách ly tại nhà, nơi lưu trú 48.401 trường hợp.

Chú thích ảnh
6 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, đã có 7 bệnh nhân được công bố điều trị khỏi trong ngày 22/4. Trong đó có 6 bệnh nhân tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 là: BN184, BN215, BN216, BN227, BN246, BN266; và 1 bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh là BN252.  

“Vui mừng nhưng cảnh giác”

Kết luận cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch COVID-19 chiều 22/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh “vui mừng nhưng cảnh giác”, chấp nhận tình trạng sống trong trạng thái có dịch, chuyển sang giai đoạn chống dịch dài hơi hơn, căn cơ hơn cùng với phát triển kinh tế-xã hội.

Đánh giá cao Ban Chỉ đạo, các địa phương, Bộ Y tế, các bộ, ngành cũng như toàn thể nhân dân đã thực hiện các biện pháp phòng chống dịch quyết liệt, đồng bộ, đạt kết quả đáng mừng, Thủ tướng nhấn mạnh, nhờ vậy mà 7 ngày qua cả nước không phát hiện trường hợp nào bị nhiễm.

Thủ tướng nhấn mạnh nguyên tắc, ngăn chặn triệt để dịch từ bên ngoài, dập dịch bên trong, chữa trị tích cực. Thực hiện cách ly tất cả các trường hợp nhập cảnh vào nước ta, người có nguy cơ cao. Biện pháp cách ly có thể linh hoạt, tùy theo đối tượng, bảo đảm yêu cầu nghiêm túc, chặt chẽ. Hiện, chưa có chủ trương tiếp nhận khách du lịch từ nước ngoài vào nước ta.

Nêu rõ việc xác định trạng thái bình thường mới trong bối cảnh hiện chưa có vaccine và thuốc đặc trị, Thủ tướng đánh giá cao tinh thần của lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đã xác định vấn đề này; nhấn mạnh việc đeo khẩu trang là bắt buộc khi tham gia các hoạt động cộng đồng, thường xuyên rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, hạn chế tập trung đông người…

Trạng thái mới nữa mà Thủ tướng nhấn mạnh là nếp sống mới, tác phong làm việc mới, một thời kỳ mới với các ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin được áp dụng rộng rãi trong mọi mặt đời sống xã hội. Người có dấu hiệu ốm, sốt thì nên ở nhà, không đến cơ quan, công sở, đơn vị, trường học.

Cơ bản nhất trí với các kiến nghị, biện pháp mà Ban Chỉ đạo đề xuất, tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, Hà Nội là địa phương có nguy cơ, nhưng một số nơi của Hà Nội có nguy cơ cao như Mê Linh và một số nơi có ca nhiễm chưa qua 14 ngày, chứ chưa áp dụng nhóm nguy cơ cao với toàn Thành phố.

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung quyết định việc thực hiện nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg đối với nơi có nguy cơ cao. Cùng với Hà Nội, Thủ tướng nêu rõ, một huyện của tỉnh Hà Giang có bệnh nhân thuộc nhóm nguy cơ cao. Lãnh đạo các địa phương phải đi sâu đi sát để xác định nguy cơ cụ thể của các địa phương, kể cả huyện, xã, thôn, bản, khu dân cư để có biện pháp áp dụng phù hợp.  

Chú thích ảnh
Từ 9 giờ ngày 22/4, huyện Đồng Văn phong tỏa toàn bộ khu vực thị trấn Đồng Văn để triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: TTXVN phát.

Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố có trách nhiệm hướng dẫn chi tiết dựa trên Chỉ thị của Thủ tướng, quyết định của Bộ Y tế và thực tiễn tại địa phương; quyết định cụ thể việc mở cửa hàng, cửa hiệu hay đóng cửa các dịch vụ không thiết yếu và các biện pháp phòng chống dịch cần thiết.  

Thủ tướng đề nghị cơ quan chức năng phổ cập cho người dân cách xử lý khi xuất hiện ca dương tính virus SARS-CoV-2, khi đang hoạt động sản xuất, kinh doanh mà có ca dương tính thì quy trình xử lý thế nào là nhanh nhất, tốt nhất.

Thủ tướng hoan nghênh TP Hồ Chí Minh có bộ quy tắc sắp công bố đối với các loại hình sản xuất kinh doanh, trường học. Các địa phương khác cần nghiên cứu, nhất là đơn vị, doanh nghiệp, cửa hàng có nhiều lao động, nhiều người sinh hoạt, không được để môi trường dễ lây nhiễm.  

Ngành Y tế cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tình trạng miễn dịch cộng đồng nhằm ước tính nguy cơ mắc, khả năng miễn dịch và mức độ lây truyền, đánh giá hiệu quả can thiệp thời gian qua và dự đoán lây nhiễm thời gian tới.

Cơ bản đồng ý nới lỏng một cách thận trọng đối với một số biện pháp, Thủ tướng lưu ý, không lơ là, chủ quan, cần bảo đảm an ninh trật tự, nhất là chống tình trạng đua xe, nhậu nhẹt đông người.  

Thủ tướng cho biết sẽ sớm ban hành một chỉ thị mới về những nội dung này. Tại cuộc họp, Thường trực Chính phủ đã nghe Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo báo cáo, đề xuất tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 và tuyển sinh Đại học, Cao đẳng.  

Cơ bản đồng ý với báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thủ tướng đánh giá cao Bộ đã chủ động xây dựng phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT, yêu cầu Bộ sớm ban hành quy chế, hướng dẫn công tác thi THPT cũng như xét tuyển Đại học, Cao đẳng. Bộ ra đề thi trên tinh thần không đánh đố, học gì thi nấy, nhưng phải bảo đảm chất lượng.

Kỳ thi do Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện, bảo đảm an toàn, trung thực, chất lượng. Cần tăng cường sự thanh tra, giám sát của các cấp, các ngành. Tăng cường sử dụng công nghệ đảm bảo tính trung thực của kỳ thi. Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy chế cụ thể để áp dụng toàn quốc chặt chẽ, nề nếp, an toàn.

Từ 0 giờ ngày 23/4, Hà Nội sẽ dỡ bỏ 30 chốt cách ly

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của Hà Nội theo đề xuất của Công an TP, từ 0 giờ ngày 23/4, Hà Nội sẽ dỡ bỏ 30 chốt cách ly. Hiện, Hà Nội vẫn duy trì 30 chốt kiểm dịch ra vào thành phố, 25 chốt ở các đường nhánh. Riêng trong tuần qua, lực lượng chức năng đã kiểm tra, rà soát 265.000 người ra vào thành phố. Qua đây cho thấy, lượng người ra vào thành phố đã tăng lên đáng kể mặc dù Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng vẫn có hiệu lực.

Chú thích ảnh
 Lập chốt kiểm tra y tế tại xóm "chạy thận" 121 Lê Thanh Nghị (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ảnh: Minh Quyết/TTXVN.

Ngay sau kết luận tại cuộc họp của Thủ tướng Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, UBND TP Hà Nội đã họp và đưa ra các biện pháp triển khai nới lỏng hoạt động kinh tế từ 0 giờ ngày 23/4, nhưng vẫn cấm một số dịch vụ như quán bar, karaoke, massage, trò chơi điện tử, tập trung đông người...

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung cho biết, riêng 2 ổ dịch của huyện Mê Linh và Thường Tín là địa phương có nguy cơ cao, những địa phương khác của Hà Nội cũng có nguy cơ, vì thế Hà Nội sẽ nới lỏng các hoạt động kinh tế, sản xuất đối với các địa phương này và thực hiện theo Chỉ thị 15/CT-TTg. Riêng 2 huyện có nguy cơ cao thực hiện theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài 2 huyện Mê Linh và Thường Tín, Chủ tịch UBND TP Hà Nội quyết định, kể từ 0 giờ ngày 23/4 sẽ nới dần các hoạt động kinh tế, nhưng cấm một số dịch vụ như quán bar, karaoke, massage, trò chơi điện tử, tập trung đông người; tất cả các lễ hội, hoạt động thể thao, sinh hoạt tôn giáo vẫn chưa được hoạt động...

Vẫn phải xử phạt những người không đeo khẩu trang, tập trung đông người. Khi tham gia giao thông, những người đi xe máy phải giữ khoảng cách an toàn. Về lĩnh vực y tế, bệnh viện được nhận bệnh nhân để điều trị và phải thực hiện theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Các trường hợp những bệnh nhân nặng chỉ cho phép một người nhà vào chăm sóc. Các chủ cửa hàng ăn uống phải sắp xếp các bàn ăn đảm bảo khoảng cách an toàn, có tấm chắn bằng nhựa hoặc giấy bóng để tránh lây nhiễm. Các trung tâm thương mại, siêu thị cũng thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách, đo thân nhiệt, có nước sát khuẩn.

Bên cạnh đó, TP bố trí 4 địa điểm khách sạn 4 sao cho các phi công nước ngoài chở hàng từ các nước. Ở các bếp ăn cơ quan phải thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Chủ xí nghiệp, chủ công trình xây dựng phải chịu trách nhiệm về công tác phòng chống dịch, khuyến khích công nhân ghi nhật ký lịch trình để truy xuất nhanh lịch trình trong trường hợp cần thiết.

Đặc biệt, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nghiêm cấm hoạt động quán nước chè và quán bán trà chanh vỉa hè, bởi những quán nước này có ghế ngồi thấp, nguy cơ lây nhiễm cao. Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng đề nghị Chủ tịch UBND các phường, xã phải làm nghiêm trật tự đô thị, xử phạt các cơ sở lấn chiếm lòng đường, vỉa hè.

Cũng theo thông tin từ Bộ Công an, đơn vị C03 đã Khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội và các đơn vị có liên quan. Quyết định khởi tố bị can; Lệnh khám xét và Lệnh bắt Giám đốc CDC Hà Nội và 7 đối tượng liên quan, quy định tại Khoản 3, Điều 222 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Hà Nội được Thủ tướng đánh giá cao và khen ngợi là một trong những địa phương thực hiện tốt, đồng bộ công tác phòng, chống dịch COVID-19. Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, đó là chúng ta phải sống trong trạng thái có dịch, bởi các nước trên thế giới dịch bệnh vẫn đang diễn biến rất phức tạp.

Đặc biệt, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh tinh thần của Thủ tướng là “Coi mạng sống của người dân là trên hết và yêu cầu các cấp các ngành thực hiện các biện pháp quyết liệt, không để dịch xâm nhập trở lại”.

Chỉ thị 15/CT-TTg và Chỉ thị 16/CT-TTg là biện pháp hiệu quả nhất

Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 ngày 22/4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh: Đến giờ phút này Việt Nam đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh bởi vì chúng ta có sự lãnh đạo đúng, thực thi đúng và hiệu quả. Đặc biệt chúng ta tuyên truyền vận động xã hội, cả hệ thống vào cuộc phòng, chống dịch.

Chú thích ảnh
Mật độ giao thông trên đường Giải Phóng tiếp tục gia tăng vào cuối giờ chiều ngày 22/4. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN.

Chính vì vậy, khi tình hình dịch bệnh diễn biến xấu, nhanh, toàn xã hội và cả bộ máy không bị động, không hoảng hốt. Dù tình hình tốt lên, nhưng điều quan trọng là nhất định không được chủ quan. Các biện pháp có tính nới lỏng phải trên cơ sở khoa học về phòng, chống dịch, khoa học xã hội và có tham khảo quốc tế.

Trên tinh thần đó Ban Chỉ đạo đã giao cho các nhóm chuyên gia tham khảo tỉ mỉ, đặc biệt là trao đổi với các địa phương về các tiêu chí khách quan, chủ quan để đánh giá nguy cơ dịch bệnh. Qua trao đổi, từng tỉnh, thành phố cũng thấy rõ hơn trách nhiệm của mình, biết những khâu nào mạnh, khâu nào yếu cần phải tăng cường, cải thiện.

Ban Chỉ đạo Quốc gia khẳng định việc hạn chế tập trung đông người và giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 và Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ là biện pháp hiệu quả nhất trong ứng phó với dịch COVID-19 và được nhiều quốc gia thực hiện. Điều đó minh chứng cho sự chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Chỉ thị 15/CT-TTg về việc quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19 được ban hành khi Việt Nam đang có nguy cơ cao từ các trường hợp xâm nhập bị bỏ sót với số lượng lớn người nhập cảnh vào Việt Nam trong thời gian trước đó.

Chỉ thị 16/CT-TTg về cách ly toàn xã hội được yêu cầu thực hiện nhằm mục đích kịp thời ngăn chặn sự lây lan của dịch trong cộng đồng khi có nguy cơ cao từ các trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng không rõ nguồn lây. Thời gian qua các bộ, ngành và địa phương thực hiện nghiêm các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, góp phần quan trọng ngăn chặn được sự lây lan dịch COVID-19 tại Việt Nam.

Theo Ban Chỉ đạo, việc thực hiện Chỉ thị 15/CT-TTg đã góp phần quản lý được các trường hợp xâm nhập có thể bị bỏ sót khi cách ly toàn bộ người nhập cảnh vào Việt Nam và Chỉ thị 16/CT-TTg đã hạn chế việc di chuyển và tập trung đông người của các trường hợp mắc phát hiện tại cộng đồng (như với ổ dịch tại Hạ Lôi, Mê Linh), từ đó đã ngăn chặn không để lây lan rộng dịch bệnh ra cộng đồng.

Trong vòng 15 ngày thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, từ 1 - 15/4, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm chỉ ghi nhận 32 trường hợp mắc mới tại cộng đồng trong tổng số 62 ca được phát hiện. So sánh cùng khoảng thời gian trước đó (153 trường hợp mắc từ 16 - 31/3), số trường hợp mắc giảm 59,5%, số mắc trung bình theo ngày giảm 6 trường hợp.

Các trường hợp mắc mới, đặc biệt tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh bắt đầu có xu hướng chững lại từ sau ngày 27/3 và giảm mạnh từ sau ngày 1/4. Đặc biệt, tính từ 16/4 đến nay Việt Nam không ghi nhận thêm trường hợp mắc mới. Việc thực hiện cách ly xã hội đã nhận được sự đồng tình của mọi người dân, được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao.

Ban Chỉ đạo cũng nhấn mạnh rằng, dù tình hình đã tốt lên nhưng chúng ta không được chủ quan, bởi thực tế chống dịch ở nhiều nước đã cho thấy nếu chủ quan sẽ rất dễ “vỡ trận”. Do đó, các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 trong thời gian tới phải được tính toán kỹ lưỡng trên cơ sở khoa học, xã hội, kinh tế, có tham khảo ý kiến thực tiễn từ các địa phương,…

Ban Chỉ đạo cũng đã trình Thủ tướng dự thảo Chỉ thị mới trên cơ sở lấy ý kiến nghiêm túc các bộ ngành thành viên Ban Chỉ đạo, các địa phương và cả các bộ thuộc lĩnh vực kinh tế để bảo đảm vừa kiểm soát dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội trong điều kiện có dịch, đồng thời đề xuất điều chỉnh một số tiêu chí trong Chỉ thị 15/CT-TTg, Chỉ thị 16/CT-TTg.

“Nới lỏng” nhưng phải bảo đảm an toàn, không chủ quan

Ban Chỉ đạo kiến nghị đối với địa phương thuộc nhóm nguy cơ cao cần tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg thêm 1 tuần nữa (đến hết 30/4). Tuy nhiên, Ban Chỉ đạo đề xuất Thủ tướng cho phép Chủ tịch UBND thành phố quyết định theo thẩm quyền việc mở các cửa hàng kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không thiết yếu các loại hình kinh doanh đường phố và theo tình hình thực tiễn tại địa phương nhưng phải bảo đảm phòng, chống dịch.

Chú thích ảnh
Các cơ sở dịch vụ trên địa bàn Thủ đô đã sẵn sàng hoạt động trở lại sau 0 giờ ngày 23/4. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN.

Đối với nhóm nguy cơ: Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố quyết định theo thẩm quyền việc mở các cửa hàng kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không thiết yếu các loại hình kinh doanh đường phố và theo tình hình thực tiễn tại địa phương nhưng phải bảo đảm phòng, chống dịch. Đối với nhóm nguy cơ thấp:

Các cửa hàng kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không thiết yếu được phép hoạt động, phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho người mua hàng; yêu cầu khách hàng phải thực hiện dãn cách đúng quy định.

Chủ cửa hàng phải chịu trách nhiệm về các biện pháp phòng, chống dịch của cơ sở do mình quản lý. Ngoài ra, với các địa phương có cửa khẩu, khu công nghiệp lớn, có nhiều lao động tự do ở các thành phố lớn… cần hết sức chú trọng công tác phòng chống dịch cho các nhóm đối tượng này.

UBND tỉnh, thành phố tập trung công tác phòng chống dịch cho nhóm nguy cơ: Công nhân ở các khu lao động đặc biệt ở các khu nhà trọ; người lao động tự do; người yếu thế; học sinh, sinh viên. UBND các tỉnh, thành phố tăng cường chỉ đạo phòng lây nhiễm tại các cơ sở y tế; tăng cường lấy mẫu những bệnh nhân có các triệu chứng của cảm cúm; người lao động tự do; người yếu thế; công nhân ở các khu nhà trọ làm xét nghiệm và yêu cầu thực hiện các biện pháp phòng chống dịch ở khu vực này.

V.T/Báo Tin tức
Người dân đồng tình về quy định phòng chống dịch COVID-19
Người dân đồng tình về quy định phòng chống dịch COVID-19

Quyết định phân loại các địa phương theo nhóm nguy cơ là quyết sách phù hợp với từng nhóm trong cuộc họp Thường trực Chính phủ đã được đa số người dân đồng tình ủng hộ và cho rằng: Đây sẽ là những biện pháp phù hợp với tình hình mới và cần thiết để đảm bảo an toàn sức khỏe cho cả cộng đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN