Cuộc họp trực tuyến do Ủy ban hợp tác liên Nghị viện Indonesia tổ chức với sự tham dự của Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Indonesia Fadli Zon; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Indonesia Charles Honoris; Phó Chủ tịch Hạ viện Malaysia Dato Mohamad Rashid Hasnon; Chủ nhiệm Ủy ban đặc biệt về Coronavirus Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin Pyo; Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Indonesia Navaratnasamy Paranietharan; Thư ký Ủy ban Kinh tế Xã hội Liên hợp quốc tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương (UNESCAP) Armida Alisjahbana.
Về phía Quốc hội Việt Nam, cùng dự cuộc họp với Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu có: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà và Ủy viên Ủy ban Đối ngoại, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã thông báo vắn tắt tình hình dịch bệnh tại mỗi nước và chia sẻ một số biện pháp mà Chính phủ các nước triển khai trong phòng, chống dịch, cũng như hành động của Nghị viện các nước để ứng phó với dịch bệnh. Theo đó, trước những thay đổi sâu sắc do đại dịch COVID-19 gây ra ở nhiều quốc gia và trên thế giới, các Chính phủ, Nghị viện trong khu vực và trên toàn cầu cần đoàn kết, hợp tác cùng hành động, góp phần vào công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an sinh - xã hội cho người dân; đồng thời cần có các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và những người yếu thế trong xã hội trước ảnh hưởng của đại dịch.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Indonesia, trước tác động của đại dịch COVID-19, Indonesia cũng như nhiều nước trong khu vực đang gặp khó khăn về tài chính. Theo dự báo, khó khăn này sẽ tiếp tục kéo dài và có những tác động nghiêm trọng hơn so với giai đoạn khủng hoảng tài chính năm 2008 - 2009. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Indonesia cho rằng, các nghị sĩ cần phát huy vai trò giám sát việc triển khai các biện pháp phòng chống, phân bổ ngân sách cho hoạt động kiểm soát dịch bệnh, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trước ảnh hưởng của đại dịch; tăng cường tuyên truyền vận động người dân trong việc chống nạn tin giả trong đại dịch COVID-19.
Các đại biểu dự cuộc họp cùng đề nghị các tổ chức tài chính quốc tế có những giải pháp hoãn nợ đối với những quốc gia nghèo, nhằm giúp những quốc gia này vượt qua giai đoạn khó khăn sắp tới; đồng thời nhất trí tiếp tục hợp tác với các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, Tổ chức Y tế Thế giới để nâng cao năng lực ứng phó với đại dịch COVID-19 ở tầm quốc gia và khu vực.
Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, đại dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới khu vực và trên thế giới. Với trách nhiệm là đại diện của người dân, các nghị sĩ cần cùng nhau hợp tác đối phó với COVID-19 và vượt qua những khó khăn, thách thức mà đại dịch gây ra.
Nhân dịp này, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh thông điệp của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch AIPA 2020 Nguyễn Thị Kim Ngân trong Thư gửi các Chủ tịch Nghị viện thành viên Hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA) ngày 30/3 vừa qua, kêu gọi các Nghị viện thành viên trong AIPA chủ động hơn nữa nhằm đồng hành cùng Chính phủ đối phó với đại dịch COVID-19 thông qua việc phát huy vai trò của Nghị viện, ban hành các biện pháp và chính sách nhằm ngăn chặn đại dịch lây lan.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cũng cho biết, với vai trò Chủ tịch AIPA 2020, Quốc hội Việt Nam đánh giá cao và ủng hộ các nội dung của Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN và Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN+3 (Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) về ứng phó dịch bệnh COVID-19 theo hình thức trực tuyến do Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch ASEAN Việt Nam 2020 Nguyễn Xuân Phúc chủ trì tại Hà Nội diễn ra ngày 14/4 vừa qua. Tuyên bố Hội nghị đã tái khẳng định quyết tâm và cam kết của các nước thành viên ASEAN, trên tinh thần “Gắn kết và chủ động thích ứng” của ASEAN, nhằm tiếp tục đoàn kết, chung tay kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh trong khi giảm thiểu các tác động của đại dịch lên đời sống của nhân dân, xã hội và nền kinh tế các nước trong khu vực.
Tiếp đó, Ủy viên Ủy ban Đối ngoại, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã chia sẻ một số kinh nghiệm của Việt Nam trong phòng, chống đại dịch COVID-19. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương đã chủ động từ rất sớm, triển khai đồng bộ, quyết liệt, huy động đông đảo nhân lực, vật lực trong cuộc chiến này, kiểm soát chặt chẽ nguồn lây nhiễm, chống dịch lây lan trong cộng đồng, nêu cao nhận thức người dân về phòng, chống dịch. Những biện pháp này đã mang lại những kết quả tích cực, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Tính đến thời điểm này, Việt Nam có tổng cộng 268 ca nhiễm, trong đó 214 ca đã bình phục và không có ca tử vong do dịch. Đặc biệt, 5 ngày liên tiếp Việt Nam cũng chưa ghi nhận ca nhiễm mới nào.
Các kinh nghiệm và kết quả trong phòng, chống dịch COVID-19 được các đại biểu dự cuộc họp trực tuyến đánh giá cao, nhất là các kinh nghiệm của Việt Nam trong ban hành chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trước tác động của đại dịch. Bên cạnh đó, các đại biểu Việt Nam cũng ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự phiên họp nhằm tăng cường vai trò của AIPA trong việc ủng hộ các nỗ lực phòng, chống dịch COVID-19 trong ASEAN. Trong bối cảnh hiện nay, với tinh thần phát huy quan hệ đối tác nghị viện vì Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng, Quốc hội Việt Nam đang xem xét việc tổ chức các hoạt động trong Năm Chủ tịch AIPA với hình thức trực tuyến, góp phần đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch AIPA năm 2020.