Theo phóng viên TTXVN tại Mexico, Bộ Ngoại giao Mexico cho rằng luật trên gồm nhiều hành động khác nhau để tăng cường lệnh cấm vận kinh tế, thương mại và tài chính mà Washington đã duy trì đối với Cuba kể từ năm 1960. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mexico nêu rõ: “Như các quốc gia khác, Mexico phân tích các trường hợp pháp lý tương ứng đối với các vi phạm luật pháp quốc tế mà Đạo luật Helms-Burton đại diện, cũng như để bảo vệ lợi ích của Mexico ở nước ngoài".
Luật Helms-Burton được Quốc hội Mỹ ban hành năm 1996, là nền tảng pháp lý cho cuộc bao vây cấm vận chống Cuba. Điều 3 của luật này cho phép các công dân Cuba bị tịch thu tài sản sau khi nhập quốc tịch Mỹ được khởi kiện tại các tòa án Mỹ để đòi lại số tài sản đó hoặc đòi bồi thường. Kể từ khi Luật Helms-Burton ra đời, các Tổng thống Mỹ mỗi khi ký gia hạn đạo luật này đều miễn áp dụng điều 3 với thời hạn 6 tháng/lần. Tuy nhiên, ngày 17/1 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ ký gia hạn miễn áp dụng 45 ngày; sau đó ngày 4/3 áp dụng một phần và chỉ hoãn thi hành thêm 30 ngày. Đến ngày 17/4, Mỹ tuyên bố điều 3 của Luật Helms-Burton sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 2/5.
Chính phủ Cuba đã liên tiếp bày tỏ phản đối mạnh mẽ biện pháp của Mỹ làm leo thang căng thẳng trong quan hệ hai nước. La Habana khẳng định điều luật ngoài lãnh thổ của Mỹ là bất hợp pháp, vi phạm luật pháp quốc tế, không thể thực thi và cũng không có giá trị pháp lý hay hiệu lực tại Cuba.