H-6K mang theo tên lửa Trường Kiếm-20. Ảnh: Không quân Trung Quốc |
Tài khoản weibo (mạng xã hội của Trung Quốc giống Twitter) chính thức của không quân Trung Quốc ngày 25/9 dẫn tuyên bố của người phát ngôn Thân Tiến Khoa cho biết cùng ngày hơn 40 máy bay chiến đấu các loại đã được điều động tham gia huấn luyện các khoa mục như trinh sát cảnh báo sớm, đột kích trên biển, tiếp dầu trên không… ở khu vực Tây Thái Bình Dương.
Theo ông Thân Tiến Khoa, trong lần huấn luyện này, nhiều máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã vượt qua Eo biển Miyako của Nhật Bản để kiểm nghiệm năng lực thực chiến biển xa. Đồng thời, Trung Quốc cũng điều động cả máy bay ném bom, máy bay tiêm kích tiến hành tuần tra thường kỳ Vùng Nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông.
Xem xét các hình ảnh liên quan phát đi từ tài khoản của không quân Trung Quốc, người ta thấy trong lần xuất kích nêu trên, các máy bay ném bom chiến lược H-6K đều mang theo 2 quả tên lửa hành trình tầm xa Trường Kiếm-20. Nếu để ý sẽ thấy máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã nhiều lần mang theo tên lửa hành trình vượt qua Eo biển Miyako của Nhật Bản. Tại sao vậy?
Trong một phân tích đăng tải hôm 26/9, tờ Đa chiều có trụ sở ở Mỹ cho rằng Guam, nơi đặt căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương cách Trung Quốc Đại lục rất xa. Nếu H-6k phóng tên lửa hành trình trên biển Hoa Đông thì không thể với tới Guam, nhưng nếu xuyên qua Eo biển Miyako, tiến thêm khoảng 1.000 km sẽ là đại dương rộng lớn, ít bị uy hiếp bởi kẻ địch và nơi đây chính là trận địa lý tưởng để phóng tên lửa hành trình tầm xa.
H-6K là máy bay ném bom tầm trung, xa do Trung Quốc tự thiết kế chế tạo, chủ yếu sử dụng thực hiện nhiệm vụ tấn công chính xác tầm xa. Năm 2015, H-6K đã 4 lần bay qua chuỗi đảo thứ nhất tham gia huấn luyện ở Tây Thái Bình Dương và xuất hiện trong duyệt binh ngày 3/9. Năm 2016, H-6K nhiều lần tham gia tuần tra ADIZ trên biển Hoa Đông.
H-6K cũng chính là máy bay đã tham gia phi đội tuần tra trái phép trên Biển Đông sau khi Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 ra phán quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền “đường 9 đoạn” của Trung Quốc trên Biển Đông.