Theo trang The Guardian (Anh), Thủ tướng Hungary Viktor Orbán đã tuyên bố ủng hộ người đồng cấp Hà Lan Mark Rutte trở thành Tổng thư ký tiếp theo của NATO, dù trước đó từng phản đối.
Chiều ngày 18/6, ông Orbán đã viết trên mạng xã hội X: “Hungary sẵn sàng ủng hộ nỗ lực của Thủ tướng Rutte cho vị trí Tổng thư ký NATO”.
Nhà lãnh đạo này cũng công bố một lá thư trấn an mà ông đã nhận được từ chính trị gia người Hà Lan vào sáng cùng ngày.
Trong lá thư, ông Rutte đã viết cho ông Orbán: “Tôi đã nắm được kết quả các cuộc đàm phán giữa Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và ngài về việc NATO hỗ trợ Ukraine. Tôi hiểu rằng ngài đã nhấn mạnh rằng sẽ không có binh sĩ Hungary nào tham gia vào các hoạt động này và không có ngân sách nào của Hungary được sử dụng để hỗ trợ cho Ukraine”.
Nhà lãnh đạo Hà Lan nói thêm rằng ông sẽ tôn trọng cam kết của Hungary. Ông nhấn mạnh: “Với tư cách là tổng thư ký NATO trong tương lai, tôi sẽ hoàn toàn ủng hộ kết quả cuộc đàm phán này. Tôi mong đợi sự hợp tác trong tương lai giữa chúng ta, bất kể đó là lĩnh vực nào”.
Ngay sau đó, Tổng thư ký Stoltenberg cho biết quá trình lựa chọn người kế nhiệm ông sẽ sớm hoàn thành.
Slovakia, một thành viên NATO khác, cũng tuyên bố sẵn sàng ủng hộ ông Rutte. Điều này đã loại bỏ một rào cản lớn đối với ông Rutte để trở thành lãnh đạo của NATO. Tổng thống Slovakia Peter Pellegrini cho biết trong một cuộc họp báo: “Cộng hòa Slovakia ủng hộ Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte trở thành người đứng đầu liên minh”.
Để trở thành lãnh đạo tiếp theo của NATO, ứng viên cần sự ủng hộ của toàn bộ 32 thành viên liên minh. Với động thái Hungary và Slovakia tuyên bố ủng hộ, ứng viên còn lại duy nhất cạnh tranh chức vụ này với Thủ tướng Rutte là Tổng thống Romania Klaus Iohannis. Romania là thành viên duy nhất phản đối tư cách ứng viên của ông Rutte.
Phát biểu tại cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại Washington ngày 18/6, Tổng thư ký NATO Stoltenberg nói: “Với thông báo của Thủ tướng Orban hôm nay, tôi nghĩ rõ ràng là chúng tôi đã tiến rất gần đến kết luận chọn ra tổng thư ký tiếp theo. Ông Rutte là một ứng cử viên rất mạnh. Ông ấy đã có nhiều kinh nghiệm làm thủ tướng. Ông ấy là một người bạn và đồng nghiệp thân thiết. Và tôi nghĩ đây là một tin tốt”.
“Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng rất sớm thôi, liên minh sẽ quyết định người kế nhiệm tôi và điều này sẽ tốt cho tất cả chúng ta, cho NATO và cả cho tôi nữa”, ông cho biết thêm.
Ông Stoltenberg đã trở thành Tổng thư ký NATO vào năm 2014. Nhiệm kỳ của ông đã được gia hạn nhiều lần sau khi liên minh không tìm được người kế nhiệm. Nhưng năm nay, sau khi ông Stoltenberg nhấn mạnh ông không thể tiếp tục tại vị lâu hơn nữa, ông Rutte đã đứng lên tranh cử và nhanh chóng nhận được sự ủng hộ từ Mỹ, Anh, Đức và Pháp.
Ông Rutte, một chính trị gia trung hữu, giữ vai trò Thủ tướng Hà Lan suốt 14 năm, đã tuyên bố sẽ từ chức cách đây một năm. Theo giới quan sát, dự kiến ông Rutte sớm được thay thế sau các cuộc đàm phán kéo dài để thành lập chính phủ Hà Lan mới. Ông còn được biết đến với biệt danh “Teflon Mark” nhờ khả năng trụ vững sau loạt vụ bê bối. Ông Rutte vẫn đang giảng dạy các môn khoa học xã hội mỗi ngày một tuần tại các trường học ở The Hague trong thời gian ông làm thủ tướng.
Tháng tới, NATO sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh thường niên tại Washington, D.C., vào thời điểm Ukraine đang tìm kiếm thêm sự hỗ trợ từ các nước phương Tây. Ông Rutte dự kiến tiếp quản vị trí người đứng đầu lNATO sau hội nghị thượng đỉnh này, nơi sẽ thảo luận về cách đảm bảo hỗ trợ quân sự lâu dài cho Ukraine.
Ngoài việc tìm cách hỗ trợ Ukraine khi quốc gia này chưa trở thành thành viên chính thức của NATO, ông Rutte có thể phải đối mặt với loạt thách thức từ ông Donald Trump, ứng viên đảng Cộng hòa và là đối thủ của ông Joe Biden trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới. Ông Trump đã nhiều lần lên tiếng hoài nghi về giá trị của NATO, thậm chí còn đề cập đến việc sẽ rút Mỹ khỏi NATO nếu tái đắc cử trong bối cảnh có những lời phàn nàn về mức chi tiêu quốc phòng của các thành viên khác.
Đầu tuần này, ông Stoltenberg cho biết hơn 20 quốc gia thành viên cam kết chi 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho quốc phòng trong năm nay, mục tiêu ban đầu mà NATO đặt ra vào năm 2014.
Đầu năm nay, cựu Tổng thống Trump đã nói rằng ông sẽ không bảo vệ bất kỳ thành viên NATO nào vi phạm và không chi tiêu đạt mức này.