Theo hãng tin Reuters (Anh), Cơ quan Giám sát và Theo dõi Không gian châu Âu (EU SST) cho biết dự đoán mới nhất của họ về thời gian quay trở lại Trái Đất của bộ phận tên lửa Trường Chinh 5B là vào sáng ngày 9/5.
Trong khi đó, Trung tâm Nghiên cứu mảnh vỡ quay lại quỹ đạo (CORDS) thuộc Tập đoàn Aerospace Corporation, một trung tâm nghiên cứu và phát triển không gian do liên bang Mỹ tài trợ, cũng cập nhật dự đoán về thời gian quay lại bầu khí quyển của mảnh vỡ tên lửa Trường Chinh 5B vào ngày tương tự.
“Lý do CZ-5B bay ngược trở lại từ quỹ đạo xuống bề mặt Trái Đất một cách bất thường và mất kiểm soát như vậy là vì trong quá trình phóng tầng dưới cùng của tên lửa này đã bay lên quỹ đạo thay vì tách ra theo quy trình giống những vụ phóng trước đây. Hiện mảnh tên lửa trên đang xoay quanh quỹ đạo Trái Đất theo hình elip một cách mất kiểm soát”, thông cáo của Aerospace Corporation nêu rõ.
EU SST cho rằng xác suất mảnh vỡ tên lửa Trung Quốc rơi ở vùng đông dân cư là "thấp" nhưng cũng cảnh báo về những rủi ro không lường trước được.
“Mảnh vỡ tên lửa đã bắt đầu rơi tự do từ tuần trước, nhưng tốc độ bay trên quỹ đạo vẫn bất ổn do các biến số về khí quyển không thể dự báo trước”, thông cáo viết thêm.
Trước đó, nhà vật lý thiên văn Jonathan McDowell tại Trường Đại học Harvard (Mỹ) nói rằng có khả năng các mảnh vỡ tên lửa sẽ rơi xuống đất liền, có thể là một khu vực đông dân cư.
“Tình huống xấu nhất là một trong những thanh kim loại của bộ phận khi rơi xuống mặt đất có thể sẽ trúng vào một ai đó, và điều này gây ra thương vong. Nhưng số người thiệt mạng sẽ không nhiều”, ông McDowell nói.
Về phần mình, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 7/5 khẳng định hầu hết các mảnh vỡ từ tên lửa sẽ bốc cháy khi rơi xuống Trái Đất và ít có khả năng gây ra bất kỳ tổn hại nào.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết Bắc Kinh rất chú trọng tới việc đưa tầng trên của tên lửa trở lại bầu khí quyển: "Theo những gì tôi biết, loại tên lửa này sử dụng thiết kế đặc biệt. Phần lớn tên lửa sẽ bị đốt cháy và bị phá hủy trong quá trình trở lại bầu khí quyển".
Phía Trung Quốc cũng cho rằng thông tin bộ phận tên lửa rơi mất kiểm soát và có thể gây hại là sự phóng đại của phương Tây. Giới chuyên gia Trung Quốc cho biết tình hình không có gì đáng lo ngại.
Các mảnh vỡ từ các vụ phóng tên lửa của Trung Quốc không phải là hiếm ở Trung Quốc.
Vào tháng 5/2020, tầng lõi của tên lửa Trường Chinh 5B đầu tiên đã rơi xuống Bờ Biển Ngà, làm hư hại một số tòa nhà, may mắn không gây ra thương tích nào. Tầng lõi tên lửa này nặng gần 20 tấn, nặng hơn cả các mảnh vỡ từ tàu con thoi Columbia vào năm 2003, trạm vũ trụ Salyut 7 của Liên Xô năm 1991 và Skylab của NASA vào năm 1979.
Bộ phận lõi dài 30 mét của tên lửa đẩy Trường Chinh 5B đã mang module có tên gọi Thiên Hòa lên quỹ đạo thấp của Trái Đất từ Trung tâm phóng vũ trụ Văn Xương, tỉnh Hải Nam vào hôm 29/4. Động thái này là nhiệm vụ đầu tiên trong số 11 việc cần thiết để hoàn thành việc thiết lập trạm vũ trụ riêng, một nỗ lực quan trọng trong kế hoạch làm chủ không gian, thăm dò Mặt Trăng, thậm chí là cả Sao Hỏa của Trung Quốc.
Bộ phận tên lửa này là một trong những mảnh vỡ không gian lớn nhất quay trở lại Trái Đất. Các chuyên gia ước tính trọng lượng của nó vào khoảng 18 đến 22 tấn.