Theo đài RT, trong một tuyên bố đưa ra ngày 23/11, cơ quan vũ trụ Roscosmos của Nga cho biết một mảnh vỡ của tên lửa Falcon 9, do công ty vũ trụ tư nhân có trụ sở tại California của Elon Musk phóng vào năm 2019, sẽ bay gần với Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) trong ngày 25/11.
Các quan chức Nga cho biết: “Vào lúc 7h18 ngày 25/11 theo giờ Moskva, một mảnh vỡ của một phương tiện phóng của Mỹ được cho là sẽ tiếp cận Trạm Vũ trụ Quốc tế”. Theo các chuyên gia Nga, khoảng cách tối thiểu giữa trạm ISS và vật thể này sẽ vào khoảng 5,5 km. Tuy nhiên, bất chấp điều này, “phi hành đoàn vẫn làm việc bình thường”, phía Nga cho biết.
Đầu tháng 11 này, các phi hành gia trên trạm vũ trụ - bao gồm 4 người Mỹ, 2 người Nga và 1 người Đức - đã được lệnh ẩn nấp trong tàu vũ trụ vì lo ngại va chạm với các mảnh vỡ, sau khi Moskva thử tên lửa chống vệ tinh bắn vỡ một vệ tinh cũ thành hàng nghìn mảnh. Washington gọi quyết định này là "vô trách nhiệm."
Xem mảnh vỡ tên lửa Falcon 9 của công ty SpaceX vụt bay sáng rực trên bầu trời đêm Washington, hồi tháng 5/2021:
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết: “Thử nghiệm cho đến nay đã tạo ra hơn 1.500 mảnh vụn quỹ đạo có thể theo dõi và hàng trăm nghìn mảnh vụn quỹ đạo nhỏ hơn, đang đe dọa lợi ích của tất cả các quốc gia”. Đại diện Mỹ cũng tuyên bố, thử nghiệm của Nga sẽ làm tăng đáng kể rủi ro đối với các phi hành gia trên Trạm Vũ trụ Quốc tế, cũng như các hoạt động bay trong không gian khác của con người.
Tuy nhiên, Roscosmos sau đó thông báo rằng các mảnh vỡ không phải là nguy cơ đối với những người trên trạm ISS, đồng thời khẳng định chúng đã được phóng ra cách xa trạm quỹ đạo.
Moskva trước đó cảnh báo rằng không gian vũ trụ đang ngày càng trở thành một sân khấu của xung đột khi “các kế hoạch của Mỹ, cũng như của Pháp và NATO nói chung, nhằm đưa vũ khí ra ngoài không gian đang hình thành”, theo tuyên bố của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov.
SpaceX đã thực hiện 131 lần phóng tên lửa SpaceX, với 129 lần được báo cáo là thành công. Tàu SpaceX được đẩy bằng tên lửa đẩy giai đoạn đầu được thiết kế để có thể tái sử dụng, hạ cánh trở lại bệ phóng hoặc tàu ngoài biển.
Trang Space.com cho biết, các nhà khoa học đã cảnh báo Trái đất có thể sẽ sớm mang một "vành khuyên" giống như sao Thổ, chỉ có điều vành khuyên này được làm bằng đủ các loại rác vũ trụ do con người thải ra.
Theo một mô phỏng mới, các mảnh vỡ quỹ đạo đang gia tăng nhiều đến mức chúng có thể quay quanh Trái đất theo các vành giống như Sao Thổ. Hiện tại, vô số mảnh rác không gian vô chủ đang quay quanh Trái đất, bao gồm đủ mọi thứ từ vệ tinh chết, mảnh vỡ từ các vụ va chạm, thân tên lửa cũ, đồ thất lạc....
Theo ước tính của Jonathan McDowell, nhà vật lý thiên văn tại Trung tâm Vật lý Thiên văn Harvard-Smithsonian, số lượng mảnh vỡ vũ trụ đã tăng ít nhất 10% sau vụ bắn thử tên lửa chống vệ tinh mới đây của Nga.
Ông McDowell cảnh báo rác vũ trụ dưới bất kỳ hình thức nào đều gây ra mối đe dọa đáng kể đối với các phi hành gia, vệ tinh và trạm ISS. “Nguy hiểm nằm ở chỗ có thể xảy ra va chạm giữa các vật thể đang di chuyển với tốc độ 27.000 km/h". Ngay cả một vệt sơn ở tốc độ đó cũng có thể gây rủi ro cho ISS hoặc phi hành gia trên trạm. Bất kỳ mảnh vỡ nào cũng có thể “nghiền nát một vệ tinh ngay lập tức và phá hủy hoàn toàn nó”.
Nhưng đó không phải là rủi ro duy nhất trong không gian. Mọi va chạm đều có thể gây ra những hậu quả như sự cố internet, dịch vụ thời tiết và hình ảnh, nghiên cứu về biến đổi khí hậu. Nó cũng có thể làm gián đoạn các nỗ lực do thám, quan sát của các cơ quan quốc tế.
Nếu vấn đề rác vũ trụ tiếp tục không suy giảm trong ba hoặc bốn thập kỷ tới, nó có thể dẫn đến cái được gọi là “Hiệu ứng Kessler”. Các mảnh vỡ trong không gian tạo ra nhiều mảnh vỡ hơn, làm tăng khả năng va chạm. Cuối cùng, có thể có đủ mảnh vỡ để kích hoạt một loạt các vụ va chạm giữa các mảnh nhỏ hơn của rác vũ trụ - điều này sẽ khiến quỹ đạo của Trái đất không thể sử dụng một cách hiệu quả.