Ba cô bạn gái Iris, Mary và Sarah từng là những thiếu nữ điển hình, cùng học, chụp ảnh, đi dạo trên đường làng ở bang Sarawak, Malaysia. Ngôi làng Long Menapa nơi họ sống cách trường cấp 2 gần nhất 3 tiếng lái xe. Trong khi đó, phải mất 7 tiếng lái xe để đi từ làng Long Menapa tới thị trấn gần đó.
Iris đã 16 tuổi trong khi Mary và Sarah mới 14. Cả 3 thiếu nữ đều thích đến trường. Nhưng 2 năm gần đây các em không còn đi học nữa bởi cả 3 đều lập gia đình. Giờ đây, 3 thiếu nữ sống trong nhà chồng. Iris chia sẻ: “Bọn em đều nhớ khoảng thời gian vẫn độc thân”.
Những trường hợp tảo hôn như Iris, Mary và Sarah không phải là hiếm thấy ở bộ lạc Penan ở Belaga. Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) cho biết trên thực tế tảo hôn xảy ra khắp Malaysia, đặc biệt tại bang Sarawak.
Theo thống kê dân số năm 2010 tại Malaysia, trên 150.000 thiếu niên từ 15-19 tuổi tại nước này đã kết hôn, trong khi con số này năm 2000 là 65.029 em. Thống kê tiếp theo sẽ được công bố trong năm nay.
Tại bang Sarawak, từ 2005-2015 có 1.609 trẻ em gái theo đạo Hồi đã kết hôn. Theo Bộ Pháp luật Sharia, từ 2011-2016, tại bang Sarawak có 1.284 vụ tảo hôn với trẻ em theo đạo Hồi.
Sarawak là 1 trong 7 bang tại Malaysia không tuân theo chỉ đạo năm 2018 của liên bang để nâng độ tuổi kết hôn tối thiểu là 18 đối với người theo đạo Hồi và các tôn giáo khác.
Tỷ lệ tảo hôn tại Sarawak rất cao một phần bắt nguồn từ việc cộng đồng người dân tộc thiểu số được kết hôn dựa trên “adat” – luật phong tục – thay vì luật dân sự.
Bang Sarawak nằm trên đảo Borneo, nơi đây tồn tại 3 hệ thống luật hôn nhân – dân sự, sharia và địa phương. Theo Hiến pháp Malaysia, tòa án dân sự không thể xét xử vấn đề liên quan đến luật sharia.
Người theo đạo Hồi tại Malaysia tuân theo luật sharia với độ tuổi kết hôn tối thiểu ở nam là 18 và nữ là 16. Tuy nhiên, có một số ngoại lệ được tòa án sharia cho phép theo đó không có giới hạn độ tuổi với hôn nhân.
Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) ước tính trên toàn thế giới mỗi năm có 12 triệu bé gái dưới 18 tuổi kết hôn. Áp lực thay đổi tại Malaysia đang ngày càng gia tăng, đặc biệt là sau khi quốc gia đông dân số đạo Hồi nhất thế giới Indonesia tăng độ tuổi kết hôn tối thiểu từ 16 lên 19 trong năm 2019.
Thống đốc bang Sarawak Fatimah Abdullah khẳng định cần phải làm nhiều hơn để đảm bảo các em gái được tiếp cận đầy đủ giáo dục trước khi kết hôn. Bà nói: “Xã hội sẽ được hưởng lợi khi phụ nữ được học hành và hỗ trợ về tài chính. Đừng để các bé gái bỏ học, đừng để các em kết hôn trước 18 tuổi”.