Sắc lệnh đăng trên công báo liên bang của Malaysia cho phép chính phủ nước này sử dụng 17,4 tỷ ringgit (4,23 tỷ USD) trong quỹ tín thác quốc gia để mua vaccine nhằm ứng phó với "bất kỳ dịch bệnh truyền nhiễm nào". Quỹ tín thác - huy động đóng góp của tập đoàn dầu khí quốc gia Petronas và các công ty tham gia khai thác dầu khí, vốn được thành lập để phát triển cơ sở hạ tầng và cung cấp khoản vay cho các bang của Malaysia.
Tháng 1 vừa qua, Quốc vương Malaysia Al-Sultan Abdullah đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia nhằm ứng phó với đại dịch COVID-19, theo đó trao thêm quyền cho chính phủ ban hành các sắc lệnh tạm thời mà không cần quốc hội thông qua.
Thủ tướng Muhyiddin Yassin hồi tháng 3 đã tăng gần gấp đôi ngân sách dành cho tiêm chủng lên 5 tỷ ringgit, hướng đến mục tiêu tiêm vaccine cho 80% dân số nước này đến tháng 12/2021.
Tính đến ngày 20/4, gần 750.000 người ở Malaysia đã được tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19, trong khi còn khoảng 462.000 người chờ được tiêm mũi hai. Với gần 382.000 ca mắc COVID-19, Malaysia hiện là quốc gia có số ca mắc cao thứ ba ở Đông Nam Á, sau Indonesia và Philippines.
* Cùng ngày 21/4, Giáo sư Nachman Ash - phụ trách điều phối chiến dịch chống COVID-19 của Israel, cho biết hiện nước này không cần dùng đến số vaccine AstraZeneca đã đặt mua và có thể sẽ chuyển số vaccine đến những nước khác trên thế giới.
Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, trả lời phỏng vấn của đài phát thanh quân đội (AR), ông Ash nêu rõ nguồn cung vaccine từ Pfizer và Moderna đủ đáp ứng nhu cầu của Israel đến hết năm 2022. Do đó, Israel đang xem xét khả năng đàm phán với AstraZeneca để chuyển 10 triệu liều đã ký hợp đồng sang cho các nước khác.
Hiện AstraZeneca chưa đưa ra bình luận về thông tin này.