Tổng cộng có 312.390 liều vaccine của Pfizer/BioNTech đã đến Malaysia vào sáng cùng ngày.
Phát biểu tại họp báo trực tuyến, Bộ trưởng Y tế Malaysia Khairy Jamaluddin nêu rõ lô vaccine thứ 2 sẽ đến vào ngày 26/2. Cứ hai tuần một lần, Malaysia sẽ nhận lô vaccine mới cho đến khi đơn hàng được hoàn tất.
Ông Khairy Jamaluddin cho biết chiến dịch tiêm phòng trên toàn quốc sẽ bắt đầu vào ngày 24/2 tới, sớm hơn so với kế hoạch ban đầu. Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin và ông Noor Hisham Abdullah, quan chức cấp cao của Bộ Y tế Malaysia, sẽ nằm trong số những người được tiêm đầu tiên.
Malaysia đã đặt mua được tổng cộng 32 triệu liều vaccine của Pfizer/BioNTech. Vaccine từ hãng Sinovac Biotech (Trung Quốc) sẽ đến Malaysia vào ngày 27/2 tới, sau khi được nhà chức trách phê duyệt.
Malaysia có tổng cộng 280.272 ca nhiễm và 1.051 ca tử vong do COVID-19. Để ứng phó với làn sóng lây nhiễm mới, chính quyền đã áp đặt thêm lệnh phong tỏa trong năm nay. Malaysia đã đặt mục tiêu tiêm phòng cho ít nhất 80% trong tổng dân số 32 triệu người trong vòng một năm để có thể thúc đẩy kinh tế phục hồi.
* Theo phóng viên TTXVN tại Indonesia, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết quốc gia này sẽ tiếp nhận khoảng 4,6 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca vào cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3 tới. Kế hoạch phân phối vaccine AstraZeneca vẫn đang được thảo luận tại Bộ Y tế.
Theo ông Jokowi, phác đồ tiêm vaccine AstraZeneca khác với vaccine Sinovac mà Indonesia đang sử dụng. Theo đó, thời gian tiêm mũi một và mũi hai đối với vaccine AstraZeneca là 1 - 2 tháng, trong khi vaccine Sinovac là 2 tuần.
Trước đó, vào ngày 13/1, Indonesia đã khởi động giai đoạn một của chương trình tiêm chủng miễn phí ngừa COVID-19 với mục tiêu tiêm vaccine cho khoảng 1,5 triệu nhân viên y tế. Đến ngày 17/2, quốc gia này đã triển khai giai đoạn hai với mục tiêu tiêm vaccine cho 38,5 triệu người, trong đó có giáo viên, tiểu thương tại các chợ, nhân viên công vụ, lãnh đạo tôn giáo, và thành viên các cơ quan lập pháp.
* Cũng trong ngày 21/2, Nhật Bản đã nhận lô vaccine ngừa COVID-19 thứ hai của hãng dược phẩm Pfizer để tiếp tục tiêm chủng cho một số nhân viên y tế trong giai đoạn đầu tiên của chiến dịch. Lô hàng này có số lượng khoảng 450.000 liều vaccine đã đến sân bay Narita gần thủ đô Tokyo, sau khi Liên minh châu Âu (EU) "bật đèn xanh" trong việc kiểm soát xuất khẩu vaccine.
Trước đó, Nhật Bản đã nhận lô hàng đầu tiên với 386.100 liều từ nhà máy của Pfizer ở Bỉ vào ngày 12/2 vừa qua, giúp nước này khởi động chương trình tiêm chủng cho 40.000 nhân viên y tế, bắt đầu từ khu vực thủ đô Tokyo vào ngày 17/2.
Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, tính đến ngày 19/2, đã có 5.039 người được tiêm phòng tại 68 cơ sở y tế. Trong số 40.000 nhân viên y tế được tiêm chủng, 20.000 người đang tham gia vào một nghiên cứu để theo dõi các tác dụng phụ tiềm ẩn do vaccine gây ra.
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, theo kết quả thăm dò ý kiến của hãng Jiji Press trong tháng 2, hơn 70% người dân Nhật Bản được hỏi mong muốn tiêm vaccine phòng COVID-19. Cuộc thăm dò được thực hiện đối với 2.000 người trên phạm vi toàn quốc.
Cụ thể, tỷ lệ người muốn tiêm phòng là 70,1%, không muốn tiêm phòng là 17,5% và chưa quyết định là 12,4%. Trong đó, tỷ lệ muốn tiêm phòng ở nam giới (73,4%) cao hơn so với nữ giới (66,3%). Tỷ lệ người cao tuổi muốn tiêm phòng cũng cao hơn (80% đối với người trên 60 tuổi, 76,4% đối với người trên 70 tuổi, trong khi chỉ có 60,8% đối với người từ 18 - 29 tuổi). Tỷ lệ người lo lắng về phản ứng phụ là 75,5%, trong đó nữ giới có xu hướng quan ngại nhiều hơn nam giới (lần lượt ở mức 81,5% và 70,4%).
Về việc tổ chức Olympic và Paralympic Tokyo, có tới 58,4% số người được hỏi bày tỏ phản đối, chỉ có 28,5% ủng hộ chính phủ tổ chức sự kiện này. Về nguyên nhân phản đối, 67,9% cho rằng chính phủ sẽ không thể kiểm soát được hoàn toàn dịch bệnh nếu tổ chức.