Theo Bộ Y tế Israel, 38% trong số 9 triệu dân của Israel đã được tiêm ít nhất một liều vaccine ngừa COVID-19. Tuy nhiên, mục tiêu của chính phủ nước này nhằm tiêm phòng cho 50% dân số và tái mở cửa nền kinh tế vào tháng 3 tới đang gặp thách thức khi tỷ lệ tiêm phòng hằng ngày đang giảm.
Phát biểu với báo giới, Thủ tướng Netanyahu cảnh báo: "Chúng ta đang trong tình trạng khẩn cấp quốc gia. Trong tháng qua, 1.536 người đã tử vong và hơn 97% trong số đó chưa được tiêm phòng".
Chiến dịch tiêm chủng đại trà vaccine ngừa COVID-19 đã bắt đầu tại Israel từ ngày 19/12/2020 với trọng tâm là những người trên 60 tuổi và các nhóm có nguy cơ cao khác. Sau đó, độ tuổi được tiêm phòng đã được hạ xuống 16 tuổi, song giới trẻ không nhận thấy cần tiêm khẩn cấp. Nhà chức trách Israel cho rằng một số người đang do dự vì những tin đồn về hiệu quả của các vaccine.
Bác bỏ những hoài nghi về của vaccine, Thủ tướng Netanyahu khẳng định: "Israel là một quốc gia tiêm chủng, chúng tôi tiêm phòng cho mọi công dân... Nếu bạn đi tiêm, bạn sẽ cứu sống chính mình".
* Ngày 9/2, Iran đã bắt đầu chiến dịch tiêm chủng đại trà ngừa COVID-19, sử dụng vaccine Sputnik V của Nga. Các liều đầu tiên đã được tiêm cho các y bác sĩ tại bệnh viện Imam Khomeini ở thủ đô Tehrran.
Tổng thống Hassan Rouhani tuyên bố: "Chúng ta bắt đầu chiến dịch tiêm chủng đại trà bằng việc tưởng nhớ sự hy sinh của nhiều nhân viên y tế trong đợt dịch này".
Theo người phát ngôn Bộ Y tế Kianoush Jahanpour, Iran đã mua 2 triệu liều vaccine Sputnik V. Lô hàng đầu tiên đã đến Iran từ ngày 4/2, hai đợt sau dự kiến được chuyển tới vào ngày 18 và 28/2.
Virus SARS-CoV-2 đã gây ra 1,4 triệu ca nhiễm và trên 58.600 ca tử vong tại Iran. Từ đầu tháng 1/2021, số ca tử vong hằng ngày đã lần đầu tiên giảm xuống dưới 100 ca kể từ tháng 6/2020. Tuy nhiên, Bộ Y tế Iran cảnh báo tình hình dịch vẫn "rất rủi ro".
Trong khi đó, trong cuộc phỏng vấn với hãng tin TASS, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Pankin cho biết Nga đang đàm phán với khoảng 50 nước về việc cung cấp vaccine Sputnik V.
Ông Pankin nói: "Sản phẩm hiệu quả và an toàn cao Sputnik V, được tạo ra ở nước ta, đang được sử dụng ở Nga trên quy mô lớn và đã được phép sử dụng ở hơn 20 quốc gia. Các cuộc đàm phán về việc cung cấp vaccine đang diễn ra với khoảng 50 nước".
* Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, Bộ Tài chính Đức đang đề nghị Quốc hội nước này chi bổ sung 6,2 tỷ euro (7,5 tỷ USD) để mua vaccine phòng COVID-19. Số tiền trên sẽ nâng tổng ngân sách cho việc mua vaccine trong năm 2021 lên 8,89 tỷ euro (10,77 tỷ USD) nhằm đảm bảo có tổng cộng 635,1 triệu liều. Số vaccine này nằm trong hạn ngạch được Liên minh châu Âu (EU) phân bổ cũng như thông qua các hợp đồng thu mua của Đức.
Trước đó, Bộ trưởng Tài chính liên bang Olaf Scholz thông báo muốn đẩy nhanh việc bào chế vaccine, theo đó "rất nhiều tiền" sẽ được sử dụng để hỗ trợ thúc đẩy việc sản xuất vaccine. Ông nói: "Giờ là lúc chúng tôi cần nỗ lực hết sức để đảm bảo vaccine được sản xuất nhiều nhất có thể".
Lần đầu tiên kể từ hơn 3 tháng qua, chỉ số lây nhiễm trong 7 ngày ở Đức đã xuống dưới mức 75. Theo thông báo của Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) sáng 9/2, chỉ số lây nhiễm trung bình 7 ngày/100.000 dân đã giảm xuống 72,8, mức giảm mạnh so với thời điểm ngày 22/12/2020 khi chỉ số trung bình trong 7 ngày lên tới 197,6. Tuy nhiên, mức trên vẫn cao hơn mục tiêu của Chính phủ Đức là giảm chỉ số trong 7 ngày xuống dưới mức 50.