Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Y tế Adham Baba cho biết Chính phủ Malaysia đã chi 2.800 tỷ ringgit (hơn 683 tỷ USD) cho các chương trình tiêm chủng quốc gia kể từ năm 1957, năm quốc gia Đông Nam Á này giành được độc lập. Điều này phản ánh cam kết của chính phủ trong việc nỗ lực bảo vệ sức khỏe người dân và đạt miễn dịch cộng đồng nhằm kiềm chế sự lây lan của các dịch bệnh như bại liệt và lao phổi. Ông nhấn mạnh các chương trình tiêm chủng của chính phủ, đặc biệt giành cho trẻ em, sẽ tiếp tục được tiến hành mặc dù đất nước đang phải ứng phó với đại dịch COVID-19 và thực thi Lệnh kiểm soát dịch chuyển (MCO). Theo ông, hiện việc thực hiện tiêm chủng cho trẻ sơ sinh và trẻ em tại Malaysia đáp ứng mục tiêu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vốn quy định trẻ em phải được tiêm hơn 95% các loại vaccine quan trọng trong các chương trình tiêm chủng.
Đề cập đến chương tình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, Bộ trưởng Baba cho biết tính đến ngày 25/4, 78% nhân viên tuyến đầu của Malaysia đã được tiêm 2 mũi vaccine trong giai đoạn một và đã có 65.224 người được tiêm mũi thứ nhất trong giai đoạn hai.
Tuần lễ Tiêm chủng thế giới - được tổ chức hằng năm vào tuần cuối cùng của tháng Tư - nhằm mục đích thúc đẩy việc sử dụng vaccine để bảo vệ mọi người ở mọi lứa tuổi. Tiêm chủng giúp cứu sống hàng triệu người mỗi năm và được công nhận là một trong những can thiệp y tế thành công nhất trên thế giới. Tuy nhiên, vẫn còn gần 20 triệu trẻ em trên thế giới ngày nay không được tiêm các loại vaccine cần thiết và nhiều người bỏ lỡ tiêm các loại vaccine quan trọng.
Ngày 26/4, WHO, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Liên minh vaccine toàn cầu Gavi đã nêu bật sự cấp thiết phải đổi mới cam kết toàn cầu nhằm nâng cao khả năng tiếp cận và sử dụng vaccine, trong bối cảnh hàng triệu trẻ em vẫn dễ bị mắc các bệnh chết người dù các dịch vụ tiêm chủng đã bắt đầu phục hồi sau những gián đoạn do đại dịch COVID-19.