Động thái này diễn ra trong bối cảnh New Delhi đang đẩy mạnh tự do hóa hoạt động tiêm vaccine tại nước này với việc cho phép các bang, bệnh viện tư nhân và các tổ chức mua vaccine trực tiếp từ nhà sản xuất.
Bộ Y tế Ấn Độ cho biết quyết định trên được đưa ra tại cuộc họp ngày 19/4 do Thủ tướng Narendra Modi chủ trì. Tại cuộc họp, ông Modi nhấn mạnh tiêm chủng là "vũ khí lớn nhất" trong cuộc chiến chống virus SARS CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và kêu gọi các bác sĩ khuyến khích bệnh nhân đi tiêm phòng. Trong giai đoạn tiêm chủng thứ ba bắt đầu vào tháng tới, các nhà sản xuất vaccine sẽ cung cấp 50% số liều cho chính quyền trung ương và được phép cung cấp 50% số liều còn lại cho chính quyền các bang và thị trường mở. Trước đó, Ấn Độ chỉ tiêm vaccine cho các nhân viên y tế, nhân viên tuyến đầu và những người trên 45 tuổi trong một quy trình do chính phủ trung ương kiểm soát.
Ấn Độ khởi động chương trình tiêm vaccine phòng COVID-19 hồi giữa tháng 1 vừa qua với hai loại vaccine Covishield do Oxford-AstraZeneca phát triển và Covaxin của Bharat Biotech (Ấn Độ). Với việc nhiều bang đang đối mặt với tình trạng thiếu vaccine, Chính phủ Ấn Độ đã cho phép nhập khẩu vaccine Sputnik V của Nga và đồng ý đẩy nhanh việc phê duyệt các vaccine phòng COVID-19 để tăng tốc độ tiêm chủng trong nước.
Ấn Độ đã ghi nhận 259.000 ca mắc mới và 1.761 ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua. Đến nay, nước này đã tiêm tổng cộng gần 127 triệu liều vaccine COVID-19, tăng thêm 3,2 triệu liều so với một ngày trước đó.
Trong khi đó, Trung Quốc đang lên kế hoạch phê duyệt vaccine ngừa COVID-19 nước ngoài đầu tiên trước tháng 7 tới.
Theo báo Wall Street Journal (Mỹ), dữ liệu thử nghiệm lâm sàng của vaccine do hãng được phẩm BioNTech SE của Đức sản xuất đã được giám sát chặt chẽ, nhấn mạnh rằng việc phân phối vaccine này tại Trung Quốc dự kiến sẽ được "bật đèn xanh" trong khoảng 10 tuần tới.
BioNTech đã nhất trí hợp tác với Công ty dược phẩm Shanghai Fosun Pharma để cung cấp 100 triệu liều vaccine cho Trung Quốc vào năm 2021, hiện đang chờ phê duyệt.