Bộ trưởng Y tế Kumbize Kandodo thông báo hệ thống y tế của nước này đã rút lại lô vaccine hết hạn sử dụng trên và tiến hành tiêu hủy 16.910 liều. Bộ trưởng Kandodo giải thích lô vaccine mà Malawi nhận được từ Liên minh châu Phi (AU) này có thời hạn sử dụng trong 2 tuần, song nước này không sử dụng hết chủ yếu do chiến dịch tuyên truyền tiêm vaccine không đạt hiệu quả.
Malawi đã nhận được 3 đợt vaccine do hãng AstraZeneca sản xuất gồm 300.000 liều theo cơ chế COVAX, 50.000 liều từ Ấn Độ và 102.000 liều từ AU. Kể từ khi khởi động chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19, quốc gia Nam Phi này mới tiêm được cho 300.000 người trong khi mục tiêu đặt ra là đến cuối năm nay phải tiêm cho 11 triệu người, tức 60% dân số.
* Ngày 19/5, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết đã nhận được khoản tài trợ trị giá gần 900.000 USD từ Chính phủ Nhật Bản để cải thiện quy trình quản lý chuỗi cung ứng lạnh để bảo quản vaccine ngừa COVID-19 tại Somalia.
Trong một thông báo, UNICEF cho biết khoản tài trợ trên sẽ hỗ trợ hoạt động thu mua thiết bị chuyên dụng tại 33 cơ sở y tế nhằm đáp ứng các yêu cầu bảo quản vaccine ngừa COVID-19. Số tiền này cũng sẽ được dùng để đào tạo các kỹ thuật viên và nhân viên y tế về cách sử dụng và bảo trì thiết bị bảo quản lạnh.
Đây là một phần trong hoạt động hỗ trợ nói chung của UNICEF giúp Bộ Y tế Somalia triển khai một trong những chiến dịch tiêm chủng lớn nhất của quốc gia Bắc Phi này. Từ ngày 16/3 vừa qua, Somalia đã bắt đầu thực hiện đợt tiêm chủng đại trà sau khi nhận được 300.000 liều vaccine của hãng AstraZeneca (Anh) theo cơ chế chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX. Tiếp đó, ngày 11/4, quốc gia châu Phi này cũng nhận được 200.000 liều vaccine của hãng Sinopharm do Trung Quốc tài trợ.