Nguồn lợi thu được từ nguồn này góp phần trực tiếp tài trợ cho khủng bố quốc tế và nuôi dưỡng những mầm mống tội phạm, tạo ra nguồn hàng để trao đổi trên thị trường đen thế giới.
Cảnh sát Italy trong chiến dịch bắt giữ những đối tượng liên quan tới các bang đảng mafia tại Ostia. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo phóng viên TTXVN tại Italy, báo cáo tổng kết của Ủy ban chống Mafia thuộc Quốc hội Italy công bố ngày 31/5 cho thấy trong giai đoạn 2014 - 2017, nhà chức trách Italy đã tiến hành thu hồi được hơn 90.000 tác phẩm nghệ thuật, các văn bản thư tịch cổ và thu giữ hơn 130.000 hiện vật khảo cổ, với tổng giá trị khoảng 270 triệu euro từ các cuộc điều tra liên quan đến mafia.
Báo cáo do cựu Thượng nghị sỹ Rosy Bindi công bố cho thấy trên thực tế, các vật phẩm văn hóa bị mất cắp ngày càng có giá trị nghệ thuật, lịch sử cao hơn, thường được chuyển ra các thị trường ngoài nước, nơi tập trung lợi ích kinh tế của các ông trùm thuộc các tập đoàn tội phạm kiểu mafia.
Bên cạnh đó, các tổ chức tội phạm kiểu mafia cũng đang có xu hướng quan tâm đến việc làm giả các tác phẩm nghệ thuật để thu lợi. Chỉ trong năm 2017 đã có trên 43.850 tác phẩm nghệ thuật giả bị thu giữ với tổng giá trị trên thị trường lên tới 218 triệu euro, gấp gần 4 lần so với mức 57 triệu euro năm 2016.
Các tổ chức mafia cũng bộc lộ rõ xu hướng mở rộng tìm kiếm các tác phẩm nghệ thuật, hiện vật cổ ở những điểm nóng trên thế giới, nơi việc cướp phá các khu vực khảo cổ đang diễn ra. Nguồn lợi thu được từ nguồn này gốp phần trực tiếp tài trợ cho khủng bố quốc tế và nuôi dưỡng những mầm mống tội phạm; tạo ra nguồn hàng để trao đổi trên thị trường đen thế giới.
Theo báo cáo, một vấn đề quan trọng được Ủy ban chống Mafia Italy xác định đó là theo luật pháp, chỉ có lực lượng Hiến binh có quyền tiền hành các hoạt động điều tra có liên quan đến các di sản văn hóa theo Luật Di sản văn hóa và Cảnh quan; tuy nhiên, các biện pháp chế tài của bộ luật này lại tỏ ra ít hiệu quả hơn là bộ luật Hình sự vốn phù hợp hơn cho việc tiến hành điều tra các vụ việc có liên quan đến di sản văn hóa.
Chủ tịch Rosy Bindi nhấn mạnh rằng để có thể tiến hành đấu tranh có hiệu quả chống lại vấn nạn trộm cắp, chiếm đoạt, làm giả các tác phẩm nghệ thuật, các cơ quan tư pháp cần phải được trang bị những công cụ pháp lý mang tính chuyên môn sâu, thiết thực hơn; trong đó có việc thành lập lực lượng cảnh sát chuyên trách.