Lý do Ukraine triệu hồi đại sứ tại Belarus

Ukraine đã triệu hồi đại sứ tại Belarus để tham vấn nhằm phản đối cuộc gặp giữa Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko và lãnh đạo Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng do Nga bổ nhiệm, Denis Pushilin.

Chú thích ảnh
Đại sứ quán Ukraine tại Minsk. Ảnh: RIA Novosti

Theo đài RT (Nga), động thái triệu hồi Đại sứ Igor Kizim đã được Bộ Ngoại giao Ukraine công bố hôm 18/4. Kiev đã chỉ trích cuộc gặp giữa Tổng thống Lukashenko và ông Pushilin, mô tả đây là một “hành động không thân thiện trắng trợn” khác của Minsk và “nỗ lực nhằm hợp pháp hóa đại diện này của chính quyền Nga ở Donetsk”.

Bộ Ngoại giao Ukraine cũng kêu gọi Belarus “kiềm chế các động thái mang tính phá hoại như vậy” và ngưng hỗ trợ cho các hoạt động của Nga ở Ukraine.

Trước đó, ngày 17/4, Tổng thống Belarus Lukashenko đã tiếp ông Pushilin tới thủ đô Belarus, trong cuộc gặp chính thức đầu tiên kể từ khi Nga sáp nhập DPR, Cộng hòa Nhân dân Lugansk tự xưng và các vùng Kherson và Zaporizhzhia hồi tháng 9 năm ngoái.

Tổng thống Lukashenko cũng đề xuất giúp đỡ các nỗ lực phục hồi ở DPR, nơi đã chứng kiến một số cuộc giao tranh ác liệt nhất trong suốt cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Cả Nga và Ukraine đều cáo buộc đối phương thực hiện các cuộc pháo kích vào khu vực.

“Còn rất nhiều việc ở phía trước”, hãng tin BelTa dẫn lời ông Lukashenko nói trong cuộc họp. “Các doanh nghiệp công nghiệp, nông nghiệp cần vực dậy. Cuối cùng, người dân sẽ sinh sống ở đó và họ cần có thực phẩm. Vì vậy, chúng tôi sẵn sàng cung cấp mọi sự hỗ trợ cần thiết để những người dân không xa lạ với chúng tôi cuối cùng cũng chấm dứt ngày tháng đau khổ”, ông nói thêm. 

Belarus là đồng minh thân cận của Nga nhưng không trực tiếp tham gia hoạt động quân sự của Moskva tại Ukraine. Tuy nhiên, vào mùa thu năm ngoái, hai nước đã thành lập nhóm quân sự liên hợp trên lãnh thổ Belarus để  phó với các mối đe dọa từ phương Tây. Tổng thống Lukashenko đã cáo buộc các quốc gia phương Tây muốn lôi kéo Belarus vào cuộc xung đột Ukraine, nhằm mở rộng chiến tuyến và kéo dài nguồn lực của các lực lượng Nga.

Vào tháng trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Moskva sẽ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus sớm nhất là vào mùa hè này, sau khi Anh tiết lộ kế hoạch cung cấp đạn urani nghèo cho Kiev. Minsk đã nhiều lần kêu gọi Nga triển khai vũ khí hạt nhân trên đất Belarus, với lý do nhận thức được mối đe dọa từ vũ khí hạt nhân của Mỹ triển khai ở các nước láng giềng.

Ngày 26/3, Thư ký Hội đồng An ninh Quốc phòng Ukraine Oleksiy Danilov cho rằng thông báo của Tổng thống Putin về việc đặt vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Belarus là một bước tiến tới sự bất ổn nội bộ tại quốc gia này. Theo ông Danilov, động thái này sẽ làm gia tăng tối đa những quan điểm tiêu cực và sự phản đối của công chúng Belarus đối với Nga và ông Putin. 

“Kremlin đã biến Belarus thành con tin hạt nhân”, ông Danilov viết trên Twitter.

Về phần mình, Mỹ phản ứng thận trọng sau thông báo của ông Putin. Một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ nói rằng chưa thấy dấu hiệu Nga có ý định sử dụng vũ khí hạt nhân. 

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Mỹ nói đã nắm được thông tin của phía Nga và sẽ tiếp tục theo dõi tình hình. “Chúng tôi không thấy lý do nào để điều chỉnh trạng thái hạt nhân chiến lược của chúng tôi hay dấu hiệu Nga chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân. Chúng tôi vẫn cam kết với việc phòng thủ tập thể của liên minh NATO”, thông báo của Lầu Năm Góc nêu.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo RT)
Lập trường mới của Hàn Quốc về xung đột Ukraine có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ liên Triều
Lập trường mới của Hàn Quốc về xung đột Ukraine có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ liên Triều

Tổng thống Yoon Suk-yeol đã đưa ra tín hiệu thay đổi lập trường chính sách của Hàn Quốc về cuộc xung đột Ukraine - Nga, mở ra cánh cửa giúp Seoul viện trợ quân sự cho Kiev. Các chuyên gia cho rằng điều này có thể tác động lớn đến các động lực ngoại giao ở Đông Bắc Á, đặc biệt là quan hệ liên Triều.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN