Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Reuters ngày 19/4, Tổng thống Yoon cho biết có nhiều khả năng Seoul cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine, trong trường hợp có những hành động “không thể bỏ qua - như tấn công quy mô lớn vào dân thường, thảm sát hoặc vi phạm nghiêm trọng luật chiến tranh. Có thể khó với chúng tôi nếu chỉ hỗ trợ nhân đạo hoặc tài chính”.
Nhà lãnh đạo Hàn Quốc nói ông tin rằng sẽ không có giới hạn nào trong việc hỗ trợ quốc gia trong xung đột, nhưng ông sẽ thực hiện các biện pháp phù hợp nhất, khi “xét đến mối quan hệ của Hàn Quốc với các bên tham chiến và những diễn biến trên chiến trường”.
Đây là lần đầu tiên Hàn Quốc đề cập tới khả năng cung cấp vũ khí cho Ukraine sau khi xung đột giữa nước này và Nga bùng phát.
Trước đó, bất chấp lời kêu gọi từ Mỹ và các nước phương Tây khác, lập trường chính thức của Seoul là loại trừ khả năng viện trợ sát thương cho Kiev. Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát, Seoul tìm cách tránh gây căng thẳng với Moskva vì lý do quan hệ kinh tế song phương, cũng như khả năng Nga tác động đến Triều Tiên. Cho tới nay, Hàn Quốc chỉ viện trợ nhân đạo, cung cấp các loại trang thiết bị phi sát thương như mũ chống đạn và vật tư y tế cho Ukraine.
Tuy nhiên, gần đây, một số báo cáo chỉ ra rằng nước này đã gián tiếp hỗ trợ đạn dược cho Ukraine bằng cách lấp đầy tình trạng thiếu hụt đạn pháo 155 mm của Mỹ.
Những tuyên bố của Tổng thống Yoon cho thấy Hàn Quốc đã sẵn sàng thay đổi lập trường liên quan đến việc cung cấp vũ khí cho Ukraine. Các chuyên gia đã bày tỏ nhiều ý kiến trái chiều về lập trường mới của Seoul liên quan đến Ukraine, nhưng nhìn chung, họ đều cho rằng điều này sẽ có tác động đến quan hệ liên Triều.
Nhắc lại phát biểu của Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc họp của Câu lạc bộ thảo luận quốc tế Valdai vào tháng 10/2022, ông Kim Joon-hyung - Giáo sư tại Đại học Toàn cầu Handong, nguyên Hiệu trưởng Học viện Ngoại giao Quốc gia Hàn Quốc - cho biết: “Năm ngoái, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết quan hệ của Hàn Quốc với Nga sẽ bị hủy hoại, nếu Seoul quyết định cung cấp vũ khí và đạn dược cho Ukraine, và Nga sẽ giúp đỡ Triều Tiên.”
Theo ông, tuyên bố của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol sẽ giúp Nga tự do hơn trong việc giúp đỡ Triều Tiên và điều này sẽ củng cố sức mạnh của khối Triều Tiên – Nga – Trung Quốc với tư cách là đối thủ của khối Hàn Quốc – Mỹ - Nhật.
Giáo sư Kim nói rằng cho đến nay, đã có những dấu hiệu cho thấy Nga và Triều Tiên đang xích lại gần nhau hơn, với việc Nga tuyên bố các mối đe dọa tên lửa liên tiếp của Bình Nhưỡng là “phản ứng trước áp lực từ Mỹ”. Theo ông, Moskva có thể sẽ chủ động hơn trong việc giúp đỡ Bình Nhưỡng, bởi Seoul đã ngỏ ý cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine.
“Bình luận của Tổng thống Yoon là nỗ lực không cần thiết đưa Hàn Quốc vào tuyến đầu của cuộc xung đột Ukraine khi xác định đối thủ của chúng ta một cách không cần thiết”, ông Kim nói.
Ông Go Myong-hyun, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asan, cũng lưu ý rằng Nga có thể thể hiện động thái tăng cường quan hệ với Triều Tiên để phản đối lập trường mới của Seoul về vấn đề Ukraine, nhưng có thể sẽ hạn chế hơn do các biện pháp trừng phạt quốc tế.
“Rõ ràng, Nga sẽ không hài lòng về những bình luận của ông Yoon. Và để đáp trả, Nga có thể tăng cường quan hệ với Triều Tiên nhằm thay đổi tình thế hiện tại”, ông Go nhận định.
Ông giải thích rằng mối quan tâm lớn nhất có thể là khả năng hợp tác tên lửa và hạt nhân giữa Triều Tiên và Nga, nhưng điều đó sẽ khó xảy ra do các biện pháp trừng phạt quốc tế khác nhau cản trở sự hợp tác đó.
Song không có cùng quan điểm với Giáo sư Kim, ông Go cho rằng tuyên bố của Tổng thống Yoon về việc hỗ trợ Ukraine là bước đi chiến lược, được đưa ra sau khi nhà lãnh đạo Hàn Quốc đã cân nhắc kỹ lưỡng về tiến trình của cuộc xung đột ở Ukraine. Nhà phân tích này lưu ý ông Yoon đặt điều kiện sẽ hỗ trợ phi nhân đạo, điều mà ông chỉ xét đến khi có một cuộc tấn công quy mô lớn nhằm vào dân thường hoặc một cuộc chiến tranh toàn diện.
Trong khi đó, cuộc xung đột ở Ukraine đang có dấu hiệu đi vào bế tắc, với các trận chiến cam go chỉ giới hạn ở một số khu vực nhất định. Do đó, trên thực tế, việc Seoul cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine càng trở nên mong manh.
“Điều này có nghĩa là Hàn Quốc đã có tiếng nói mạnh mẽ về việc hỗ trợ Ukraine - như Mỹ và các quốc gia châu Âu khác đã làm. Dẫu vậy, khả năng hỗ trợ quân sự cho Kiev ở mức thấp”, ông Go nói. “Điều này có thể cho thấy Seoul đang đứng về phía các đồng minh và các quốc gia thân thiện trong vấn đề Ukraine, đồng thời xóa bỏ quan điểm mơ hồ trong các vấn đề toàn cầu”.
Trong động thái đáng chú ý khác, ông Yoon cũng lưu ý rằng Hàn Quốc đang phát triển “vũ khí có công suất cực cao, hiệu suất cao” để đối phó với các mối đe dọa từ Triều Tiên. Mặc dù ông Yoon chưa tiết lộ những loại vũ khí đó là gì, nhưng các chuyên gia cho rằng ông đang đề cập đến “bom cắt điện” - loại bom có thể làm tê liệt mạng lưới điện và cắt nguồn cung điện hoặc vũ khí xung điện từ của đối phương.
Nhà lãnh đạo Hàn Quốc cũng đề cập đến tên lửa đạn đạo Hyunmoo-5 và tên lửa siêu thanh. Quân đội Hàn Quốc chuẩn bị phóng thử tên lửa Hyunmoo-5, loại tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân nặng tới 9 tấn.
Sau tuyên bố của Tổng thống Yoon, ngày 19/4, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Dmitry Medvedev tuyên bố Nga có thể chuyển vũ khí tiên tiến tới Triều Tiên nếu Hàn Quốc viện trợ quân sự cho Ukraine.
“Có những người mới muốn giúp đỡ đối thủ của chúng tôi. Tổng thống Yoon Sok-yeol đã nói rằng về nguyên tắc, Hàn Quốc sẵn sàng cung cấp vũ khí cho Ukraine. Tôi tự hỏi người dân Hàn Quốc sẽ nói gì khi nhìn thấy những vũ khí mới nhất của Nga xuất hiện tại Triều Tiên, đối tác của chúng tôi và là láng giềng gần nhất của họ? Điều đó gọi là gieo nhân nào, gặt quả nấy”, ông Medvedev viết trên Telegram.