Nhật Bản là thị trường quần áo lớn thứ ba thế giới và người dân nước này ngày càng nhận thức rõ hơn về tác động môi trường to lớn của ngành này. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa đủ để khiến người Nhật để mắt đến quần áo second-hand.
Đại diện của Uniqlo - cô Aya Hanada chia sẻ rằng sự xuất hiện của cửa hàng tạm thời về quần áo second-hand trong 10 ngày ở quận Harajuku cho thấy thái độ đang thay đổi. Quần áo cũ tại cửa hàng này có giá chỉ bằng một phần ba giá ban đầu, một số thậm chí được nhuộm để trông vintage (cổ điển) hơn.
Cô Aya Hanada cho biết: “Tôi nghĩ quan điểm không ưa thích quần áo second-hand đã biến mất ở Nhật Bản, chủ yếu là ở giới trẻ”. Theo cô Aya Hanada, sự thay đổi này một phần nhờ vào internet. Giá cả tăng cao sau nhiều năm giảm phát đã ảnh hưởng đến ví tiền của người Nhật kể từ năm 2022. Điều này cũng khiến một số người không còn phản đối đồ second-hand.
Tuy nhiên, vẫn còn một chặng đường dài phía trước. Theo Bộ Môi trường Nhật Bản, chỉ 34% quần áo bỏ đi ở nước này được tái chế hoặc tái sử dụng. Nhưng con số này bao gồm cả quần áo second-hand được đưa sang các nước đang phát triển, nơi số phận cuối cùng của chúng là ra bãi rác hoặc bị đốt.
Theo tổ chức từ thiện Ellen MacArthur Foundation, trên toàn cầu, mỗi giây có một một xe tải quần áo bị đốt hoặc chôn ở bãi rác. Công ty nghiên cứu thị trường JapanConsuming ước tính rằng phân khúc đồ cũ của Nhật Bản chiếm chưa đến 6% thị trường trị giá 75 tỷ USD, mặc dù có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây.
Ông Michael Causton, người đồng sáng lập JapanConsuming, nhận định rằng trong một thời gian dài ở Nhật Bản, quần áo second-hand chỉ là phân khúc nhỏ dành cho các hipster. Ông Causton phân tích với AFP: “Ở Nhật Bản có mối quan tâm rất lớn đến vấn đề vệ sinh, đó là một nét gắn liền với văn hóa. Và đó chắc chắn là rào cản đối với người tiêu dùng bình thường”.
Ông Causton bổ sung rằng quần áo cũ của Nhật Bản rất phổ biến ngay cả ở Trung Quốc và các nơi khác bởi mọi người biết người Nhật chăm sóc đồ đạc của họ và chúng thường có chất lượng tốt.
Cô Charlotte Xu (18 tuổi), du khách Australia đang ngắm nhìn một cửa hàng đồ cũ ở Harajuku, cho biết: “Tôi cảm thấy như ở Nhật Bản, quần áo đã qua sử dụng có chất lượng cao, còn nếu không thì sẽ ghi rõ có hư hỏng gì hay không. Ở quê hương tôi mọi thứ đều chất đống, bạn phải tự mình tìm kiếm. Trong khi đó ở đây mọi thứ đều đẹp và gọn gàng, và bạn có thể tìm thấy thứ mình muốn”.