Lý do khủng bố Tân Cương ‘thích’ tấn công ga tàu hỏa

Việc các phần tử ly khai gốc Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương hướng các vụ tấn công nhằm vào các ga tàu hỏa vừa mang tính biểu tượng, nhưng nó cũng cho thấy những “toan tính” của phái chống đối này.

Tính từ đầu năm tới nay, khủng bố người gốc Duy Ngô Nhĩ đã thực hiện 3 vụ tấn công nhằm vào các nhà ga xe lửa. Hồi tháng 3, chúng gây ra vụ thảm sát bằng dao đẫm máu tại một ga tàu ở Côn Minh, giết chết 29 người, làm hàng chục người khác bị thương. Đến tháng 4, 3 người chết và 79 người bị thương trong một vụ tấn công tương tự bằng dao, bom tự chế ở thủ phủ Urumqi, Tân Cương. Hôm 6/5, lại thêm một vụ đâm chém bằng dao ở ga xe lửa Quảng Châu làm ít nhất 6 người bị thương.

Binh sĩ triển khai ở Urumqi sau vụ tấn công hôm 30/4. Ảnh: AP


Những vụ tấn công này cho thấy sự thay đổi về mặt chiến thuật của các phần tử ly khai chống đối. Thay vì tấn công các tòa nhà công quyền, binh lính, sĩ quan quân sự, an ninh, giờ chúng nhằm vào dân thường và các mục tiêu “mềm” khác.

Tấn công đường sắt cho thấy một câu chuyện mới khi Bắc Kinh đang cố tái cân bằng kinh tế tại những vùng phía Tây nói chung và Tân Cương nói riêng. Lãnh đạo nước này từng hy vọng lấy động lực kinh tế duyên hải phía Đông để tạo ra làn sóng lan tỏa thứ hai, thứ ba đến các vùng nằm sâu bên trong nội địa, trong một nỗ lực tạo lập cân bằng phát triển thông qua chiến lược "Đại khai phá miền Tây". Xa hơn, Trung Quốc hy vọng Tân Cương sẽ là bàn đạp để quốc gia đông dân nhất thế giới tiến sang các nước Trung-Nam Á, cũng như châu Âu và có thể là cả Trung Đông.

Phát triển mới cơ sở hạ tầng, nhất là đường sắt, là một phần quan trọng trong kế hoạch này. Theo thông tin tờ Wall Street Journal công bố hồi năm 2011, chính quyền Bắc Kinh dự định sẽ đầu tư khoảng 300 tỉ USD cho các dự án xây dựng hạ tầng ở Tân Cương giai đoạn 2010-2015, trong đó có 6 sân bay, 8.400km đường tàu hỏa cùng với 7.155km đường sắt cao tốc. Một ví dụ là tuyến đường Tân Cương - Lan Châu/tỉnh Cam Túc sẽ được hoàn thành trong năm nay.

Mô phỏng tuyến đường sắt Trùng Khánh-Tân Cương-châu Âu (đường vạch đứt) thuộc "Vòng cung tơ lụa mới". Ảnh: AP


Cùng với đó là tuyến đường sắt cao tốc nối Lan Châu với Urumqi. Ngoài ra, còn có nhiều tuyến đường sắt sắp xây dựng qua Tân Cương nhằm hướng đến nối kết châu Âu qua Trung Á, với điểm chốt là Kazakhstan - tạo ra nhân tố nền tảng trong cái gọi là “Vòng cung tơ lụa mới” của Trung Quốc. Đó là tuyến Trùng Khánh - Tân Cương - châu Âu dài 11.000km; là tuyến trên hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan nối cảng Gwadar chiến lược tới Kashgar/Tân Cương…. có thể vươn tới các nước Trung Đông.
Khi hoàn tất, các hành lang mới này sẽ tạo ra thế đứng vững chắc trong giao thương của Trung Quốc với thế giới, không lo bị “cắt đứt” đường vận chuyển trong trường hợp các tuyến đường biển qua Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương gặp khó khăn, hay là bị phong tỏa.

Bằng việc phát triển hạ tầng ở Tân Cương, giới lãnh đạo Trung Quốc hy vọng sẽ tạo ra sự thay đổi trong bộ mặt kinh tế-xã hội tại vùng đất phía Tây tiềm ẩn nhiều bất ổn này; đưa cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ hội nhập tốt hơn vào phần còn lại của đất nước. Thế nhưng các phần tử ly khai lại không dễ chấp nhận sự “hòa nhập” này. Tấn công vào mạng lưới đường sắt ngoài ý nghĩa biểu tượng “phản kháng” trên, các phần tử khủng bố còn muốn đi xa hơn: Reo rắc mối lo thường trực về nguy cơ “khủng bố đường sắt”, gây ra các quan ngại về tính kinh tế, hiệu quả của các dự án đường sắt, làm nản lòng các đối tác ước ngoài, cản trở tiến độ hoàn thành “Vòng cung tơ lụa mới” của Trung Quốc.

Bắc Kinh dĩ nhiên cũng nhận ra điều này và quyết không để khủng bố Tân Cương phá hoại kế hoạch có tầm chiến lược trên. Đó là lý do mà lực lượng an ninh, quân đội đang quyết tâm dẹp yên các nhóm vũ trang, không để số này phát triển tới mức có thể gây ra các rắc rối đối với các dự án hạ tầng lớn theo đúng chỉ thị của ông Tập Cận Bình sau thời điểm vụ khủng bố ở Tân Cương hôm 30/4: “Cuộc chiến chống lại bạo lực và khủng bố không thể xao nhãng dù một phút một giây nào và phải có các hành động quyết liệt để kiên quyết trấn áp cơ hội của bọn khủng bố”.


Hoài Thanh (Tổng hợp
)

Nổ ở nhà ga Tân Cương khi Chủ tịch Trung Quốc đang ở thăm
Nổ ở nhà ga Tân Cương khi Chủ tịch Trung Quốc đang ở thăm

Đã có hơn 50 người bị thương trong vụ nổ ở ga tàu hỏa tại Urumqi, thủ phủ khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương vào tối 30/4, trong bối cảnh Chủ tịch nước Tập Cận Bình đang có chuyến thăm thành phố này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN