Lý do Iran muốn di dời thủ đô về bờ biển phía Nam

Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian ngày 7/9 cho rằng trung tâm chính trị và kinh tế của đất nước nên được chuyển về phía Nam, đến bờ biển Vịnh Ba Tư để tiếp cận gần hơn với các tuyến đường thương mại chính.

Chú thích ảnh
Người dân mua sắm tại khu chợ cổ Grand Bazaar ở thủ đô Tehran, Iran ngày 28/9/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

"Là thủ đô của đất nước, Tehran đang phải đối mặt với những vấn đề mà chúng tôi không có giải pháp nào khác ngoài việc di dời chính trung tâm thủ đô", hãng thông tấn Fars dẫn lời nhà lãnh đạo Pezeshkian.

Theo Tổng thống Iran, việc tiếp tục để Tehran nằm ở phía Bắc nước này làm thủ đô đang trở nên bất khả thi do một số thách thức về kinh tế.

"Không thể phát triển đất nước bằng cách tiếp tục xu hướng hiện tại. Nếu chúng ta muốn tiếp tục đưa tài nguyên từ phía Nam và biển về Tehran, sản xuất chúng rồi lại gửi lại về phương Nam để xuất khẩu, khả năng cạnh tranh của chúng ta sẽ ngày càng giảm", Tổng thống Pezeshkian nói thêm.

Sau khi thủ đô mới được chọn, tất cả các cơ quan chính phủ sẽ được chuyển đến đó, sau đó người dân Tehran cũng sẽ có cơ hội chuyển đến thủ đô mới.

Trong lịch sử, Iran cũng đặt thủ đô ở nhiều vùng đất, bao gồm Isfahan, Qazvin, Shiraz, Mashhad và Hamedan. Kể từ khi vua Qajar Agha Mohammad Khan tuyên bố Tehran là thủ đô vào năm 1795, nơi đây đã trở thành trung tâm chính trị, xã hội, kinh tế và văn hóa của đất nước.

Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng thành phố đã bị xuống cấp do dân số tăng nhanh, khiến nơi đây trở thành nơi sinh sống của 15 triệu người, tăng từ 250.000 người vào đầu thế kỷ 20. Dân số tiếp tục tăng vọt, với sự phát triển của cơ sở hạ tầng không kịp đã tạo ra một khu đô thị luôn trong tình trạng tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm.

Sáng kiến tìm một nơi để thành lập một thủ đô mới đã được vạch ra lần đầu tiên cách đây 30 năm, nhưng các quan chức chỉ xem xét nghiêm túc vấn đền này sau trận động đất năm 2003 đã tàn phá thành phố Bam phía Đông Nam và khiến khoảng 40.000 người thiệt mạng. Các chuyên gia cảnh báo Tehran nằm trên ít nhất 100 đường đứt gãy - bao gồm một đường dài gần 100 km, và nhiều tòa nhà của thành phố được dự báo sẽ không thể đứng vững sau một trận động đất lớn.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo Sputnik)
Iran phản ứng khi Nga ủng hộ xây dựng hành lang Zangezur
Iran phản ứng khi Nga ủng hộ xây dựng hành lang Zangezur

Hành lang Zangezur, dự kiến sẽ nối Azerbaijan với vùng đất Nakhchivan mà không cần đi qua Armenia, đang tạo ra những căng thẳng địa chính trị mới trong khu vực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN