Lý do Indonesia là 'điểm đen' an toàn hàng không

Vụ rơi máy bay Boeing 737-500 của hãng hàng không Sriwijaya Air chở theo 62 người ngày 9/1 không lâu sau khi cất cánh đã gióng hồi chuông cảnh tỉnh về vấn đề an toàn hàng không tại Indonesia.

Chú thích ảnh
Các nhà điều tra xem xét mảnh vỡ chiếc máy bay của hãng Sriwijaya Air. Ảnh: AP

Indonesia là một trong những quốc gia có dữ liệu hàng không “nhiều sẹo” nhất châu Á với số vụ tai nạn máy bay thương mại cao nhất khu vực tính từ năm 1945.

Theo hãng thông tấn AP, các nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn là quá trình đào tạo phi công nhiều thiếu sót, lỗi kỹ thuật, sơ suất kiểm soát không lưu và năng lực bảo trì máy bay còn yếu kém. Mặc dù các chuyên gia nhận định ngành hàng không Indonesia đã có cải thiện trong những năm gần đây, tuy nhiên vụ tai nạn ngày 9/1 khiến họ phải xem xét lại.

Vì sao Indonesia có nhiều vụ tai nạn máy bay?

Nguyên nhân chính bắt nguồn từ các yếu tố kinh tế, xã hội và địa lý. Ở giai đoạn đầu phát triển hàng không, vào cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, Indonesia không có nhiều quy định hoặc giám sát quản lý ngành công nghiệp này. Các hãng hàng không giá rẻ mọc lên như nấm trong khi nhiều bộ phận vẫn thiếu sót cơ sở hạ tầng an toàn.

Theo dữ liệu từ trang Aviation Safety Network, kể từ năm 1945 Indonesia ghi nhận 104 vụ tai nạn máy bay thương mại với trên 1.300 người tử vong. Điều này khiến Indonesia giữ vị trí là nơi nguy hiểm nhất để bay tại châu Á.

Theo Trung tâm Hàng không châu Á-Thái Bình Dương (CAPA), trong giai đoạn từ 2005-2017, lưu thông bằng hàng không tại Indonesia đã tăng gấp 3 lần. Kênh CNN (Mỹ) đánh giá Indonesia không thể thiếu vận tải hàng không bởi nước này có trên 13.000 đảo lớn nhỏ nằm trên 4 múi giờ.

Chú thích ảnh
Những đồ vật còn sót lại của nạn nhân vụ rơi máy bay Lion Air năm 2018. Ảnh: CNN

Những vụ tai nạn đáng chú ý tại Indonesia trong thời gian qua là chuyến bay số hiệu 8501 của AirAsia rơi xuống Biển Java năm 2014 khiến 162 người thiệt mạng. Năm 2018, chuyến bay số hiệu 610 của Lion Air rơi khiến 189 người tử vong.

Mỹ đã cấm các hãng hàng không Indonesia hoạt động tại quốc gia này trong giai đoạn từ 2007-2016. Liên minh châu Âu (EU) cũng có lệnh cấm tương tự từ 2007-2018.

Indonesia đã nỗ lực để thay đổi ngành hàng không tại nước này. Chuyên gia Geoffrey Thomas chia sẻ với AP rằng Indonesia đã tăng cường giám sát, siết chặt quy định bảo trì cơ sở hạ tầng, nâng cấp đào tạo phi công.

Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) năm 2016 xếp Indonesia và Nhóm 1 đồng nghĩa với việc quốc gia này tuân thủ theo tiêu chuẩn an toàn của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế.

Tai nạn vẫn xảy ra

Các chuyên gia cho rằng vẫn còn quá sớm để đưa ra đánh giá nhưng vụ tai nạn máy bay Sriwijaya Air có thể bắt nguồn từ lỗi con người, tình trạng phi cơ hoặc thời tiết xấu tại Jakarta, địa điểm cất cánh.

Ngư dân ở lân cận hiện trường rơi máy bay cho biết họ đã nghe thấy tiếng nổ lớn và sau đó là mảnh mỡ, nhiên liệu trôi đến gần tàu của họ. Tuy nhiên, mưa to gây hạn chế tầm nhìn khiến các ngư dân không thể thấy nhiều hơn.

Lịch sử của Sriwijaya Air chỉ có đúng một vụ tai nạn nhỏ trong quá khứ. Một nông dân đã thiệt mạng năm 2008 do máy bay của Sriwijaya Air trượt khỏi đường băng khi hạ cánh do lỗi kỹ thuật.

Giám đốc Sriwijaya Air – ông Jefferson Irwin Jauwena nhấn mạnh chiếc Boeing 737-500 rơi ngày 9/1 đã 26 “năm tuổi” và từng phục vụ cho các hãng hàng không tại Mỹ. Trong khi đó, nhiều chuyên gia nhấn mạnh rằng cần mở điều tra để làm rõ liệu chiếc máy bay có phù hợp để hoạt động hay không.

Hà Linh/Báo Tin tức
Xác định được vị trí của 2 hộp đen máy bay rơi tại Indonesia
Xác định được vị trí của 2 hộp đen máy bay rơi tại Indonesia

Lực lượng chức năng Indonesia đã xác định được vị trí 2 hộp đen trên chiếc máy bay của hãng hàng không Sriwijaya Air rơi ở khu vực quần đảo Seribu chiều 9/1. Các hộp đen này sẽ cung cấp những đầu mối quan trọng phục vụ công tác điều tra vụ tai nạn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN