Các ngôi làng ở Sakon Nakhon nổi tiếng với nghề nhuộm vải chàm và Làng bền vững Don Koi theo sáng kiến hoàng gia của Công chúa Sirivannavari Nariratana Rajakanya nằm trong số này. Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Thái Lan, ông Chusak Ruying, Tỉnh trưởng tỉnh Sakon Nakhon, tự hào cho biết tỉnh Sakon Nakhon được mệnh danh là “Thành phố thủ công thế giới của màu chàm tự nhiên” với sảm phẩm đặc trưng là vải nhuộm chàm . Cộng đồng thợ dệt nhuộm màu chàm trải khắp 18 huyện.
Mỗi huyện, mỗi nhóm dệt nhuộm màu chàm lại có những phương pháp sản xuất vải nhuộm màu chàm khác nhau theo vị trí địa lý và kinh nghiệm của từng khu vực. Trong số đó, Ban Don Koi là một trong những ngôi làng "dệt nhuộm màu chàm trên mái nhà". Cộng đồng nhuộm vải chàm Ban Don Koi được công nhận là một trong những cộng đồng lành nghề nhất ở Sakon Nakhon.
Theo lời bà Thavil Oupparee, một nghệ nhân và là trưởng nhóm nhuộm và dệt chàm tại Trung tâm học tập và dạy nghề nhuộm màu chàm Don Koi, ý tưởng thành lập trung tâm ban đầu được một nhóm nhỏ phụ nữ địa phương ở làng Don Koi khởi xướng vào năm 2003. Cây chàm có nhiều trong những khu rừng thưa ở vùng Đông Bắc Thái Lan và những người phụ nữ địa phương từ xa xưa đã biết dùng cây chàm như một nguyên liệu tự nhiên để nhuộm vải ra màu xanh indigo đặc trưng của văn hóa Thái Lan. Nghệ nhân Thavil đặc biệt bày tỏ sự biết ơn tới Công chúa Sirivannavari, người từng tới thăm làng Don Koi vào tháng 11/2020 và quyết định hỗ trợ phát triển sản phẩm của làng. Quyết định này cũng là để tiếp nối và mở rộng mong muốn của bà nội cô là Hoàng Thái hậu Sirikit để bảo tồn và khôi phục nghệ thuật, văn hóa, bí quyết và nghề thủ công Thái Lan để chúng không bị mai một trong đời sống hiện đại.
Công chúa Sirivannavari cũng khởi xướng dự án phát triển mang tên “Mô hình Don Koi” thông qua thiết kế, tập hợp kiến thức về văn hóa cộng đồng, kiến thức dệt, nhuộm chàm và nhuộm sợi bằng kỹ thuật màu tự nhiên của cộng đồng Don Koi, từ đó cho ra đời những sản phẩm thời trang mang phong cách quốc tế, có giá trị cao hơn và được biết đến rộng rãi. Nhà chức trách tỉnh cho biết “Mô hình Don Koi” đã giúp phát triển cộng đồng thợ dệt vải và nhuộm chàm, tạo thu nhập cho người dân, cũng như phổ biến kiến thức quý giá về dệt nhuộm chàm đến các làng lân cận.
Làng Don Koi là một phần của dự án Sáng kiến Hoàng gia “Vui vẻ khi mặc vải Thái” (Pha Thai Sai Hai Sanook). Sáng kiến này thúc đẩy sử dụng vải truyền thống Thái Lan cho những mẫu mới và thiết kế hiện đại để hấp dẫn mọi đối tượng. Không chỉ tạo ra những sản phẩm dệt nhuộm màu tự nhiên độc đáo và thân thiện với môi trường, người dân làng giờ đây cũng biết đến những cách làm mới, chẳng hạn như qua Facebook, để quảng bá sản phẩm tới khách hàng trong nước và quốc tế, giúp tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống.