Trung Quốc: Thị trấn Tân Hà 'thay da đổi thịt' với nghề truyền thống

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Quốc, đan rơm không chỉ là một nghề truyền thống của thị trấn Tân Hà (thành phố Bình Độ thuộc tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc), mà còn giúp người dân địa phương thoát nghèo, làm giàu và tạo ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc sắc được thế giới biết đến.

Chú thích ảnh
Là cơ sở chế biến và xuất khẩu thủ công mỹ nghệ “đan rơm” lớn nhất ở khu vực Giang Bắc của Trung Quốc, hiện ở Tân Hà có hơn 100 công ty sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ “đan rơm”, tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 20.000 lao động với mức thu nhập từ 60.000 – 70.000 nhân dân tệ mỗi năm. Ảnh: Công Tuyên/Phóng viên TTXVN tại Trung Quốc

Là ngành nghề truyền thống có lịch sử hơn 400 năm, đan rơm đã ăn sâu vào trong cuộc sống của mỗi người dân Tân Hà, gần như ai trong thị trấn cũng biết làm. Tuy nhiên, ngành nghề truyền thống này chỉ thực sự phát huy tiềm năng trong những năm gần đây khi chính quyền địa phương xác định đây là ngành công nghiệp hàng đầu để chấn hưng nông thôn, giúp người dân thoát nghèo làm giàu.

Tân Hà đã tích hợp các điểm chế biến, đan rơm rải rác, liên kết các doanh nghiệp thượng nguồn và hạ nguồn, quy hoạch thành Khu công nghiệp chấn hưng nông thôn toàn bộ chuỗi thủ công mỹ nghệ Tân Hà, nhằm mở ra chuỗi công nghiệp hoàn chỉnh từ thiết kế, quảng bá bán hàng, thương mại điện tử, hậu cần, kho bãi, thúc đẩy thương thương hiệu…, từ đó khám phá một con đường mới cho đan rơm Tân Hà.

Trên cơ sở mô hình liên kết “doanh nghiệp – điểm sản xuất – hộ nông dân”, ngoài sản xuất tại các cơ sở sản xuất chính, người dân có thể đan rơm ngay tại nhà, sau đó tập kết tại các điểm sản xuất để hoàn thiện sản phẩm, trong khi doanh nghiệp chịu trách nhiệm thiết kế, cung cấp nguyên vật liệu và tìm đầu ra cho sản phẩm.

Đặc biệt, Đảng ủy và chính quyền thị trấn Tân Hà đã kêu gọi các doanh nghiệp đầu ngành kết đôi với hộ nghèo, ưu tiên tuyển dụng hộ nghèo hoặc ưu tiên cung cấp đơn hàng cho các hộ nghèo để giúp họ thoát nghèo. Nhờ đó, hàng trăm hộ nông dân trong thị trấn đã sớm thoát nghèo và từng bước vươn lên vững chắc. Theo bà Hác Kỳ - Ủy viên Ban Tuyên truyền và dân vận thị trấn Tân Hà, hầu như không có lao động dư thừa trong thị trấn, các hộ nông dân có thể tranh thủ lúc nông nhà để đan rơm, mỗi năm cho thu nhập thêm hơn 20.000 Nhân dân tệ (2.760 USD). Ngành thủ công mỹ nghệ này thực sự là một dự án tốt giúp nông dân thoát nghèo.

Chú thích ảnh
Theo bà Hác Kỳ - Ủy viên Ban Tuyên truyền và Dân vận thị trấn Tân Hà, các hộ nông dân có thể tranh thủ lúc nông nhà để “đan rơm”, mỗi năm cho thu nhập thêm hơn 20.000 nhân dân tệ. Ngành thủ công mỹ nghệ này thực sự là một dự án tốt giúp nông dân thoát nghèo. Ảnh: Công Tuyên/Phóng viên TTXVN tại Trung Quốc

Là cơ sở chế biến và xuất khẩu thủ công mỹ nghệ đan rơm lớn nhất ở khu vực Giang Bắc của Trung Quốc, hiện ở Tân Hà có hơn 100 công ty sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ đan rơm, tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 20.000 lao động với mức thu nhập từ 60.000 – 70.000 (9.700 USD) Nhân dân tệ mỗi năm.

Theo nghề đan rơm được hơn 30 năm, bà Ning Ning cho biết thu nhập của bà hiện nay tại Trung tâm giới thiệu sản phẩm Tân Hà rất tốt, mang lại cho gia đình bà điều kiện sống khá thoải mái. Cũng như bà, ở Tân Hà có rất nhiều người trung niên và cao tuổi làm công việc đan rơm từ khi còn trẻ, công việc phù hợp và cho thu nhập ổn định.

Nguyên liệu để đan rơm của Tân Hà trước đây chủ yếu là rơm lúa mì, sau mở rộng thêm vỏ ngô cùng hàng chục loài cây thủy sinh khác, để từ đó tạo ra hơn 120 dòng sản phẩm với trên 4.000 chủng loại mặt hàng khác nhau. Phần lớn các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đan rơm của Tân Hà được dùng cho xuất khẩu với giá trị hàng năm ước tính đạt trên 3 tỷ Nhân dân tệ (414.000 USD).

Chú thích ảnh
Nguyên liệu để “đan rơm” của Tân Hà trước đây chủ yếu là rơm lúa mì, sau mở rộng thêm vỏ ngô cùng hàng chục loài cây thủy sinh khác, để từ đó tạo ra hơn 120 dòng sản phẩm với trên 4.000 chủng loại mặt hàng khác nhau. Ảnh: Công Tuyên/Phóng viên TTXVN tại Trung Quốc

Ông Vương Vĩnh Kiếm - Giám đốc công ty TNHH thủ công mỹ nghệ Ngọc Phượng Tường - cho biết mỗi năm công ty nhập khẩu hàng chục nghìn tấn nguyên liệu từ Việt Nam để phục vụ sản xuất. Chất lượng nguyên liệu của Việt Nam tốt, đáp ứng được yêu cầu sản xuất của công ty cũng như thị hiếu thị trường. Tới đây, công ty đang tính toán việc xây dựng thêm cơ sở sản xuất ở Việt Nam, mở rộng hợp tác để xuất khẩu sản phẩm từ Việt Nam ra sang nước khác. Sản phẩm của công ty hiện chủ yếu xuất khẩu đi châu Âu và Mỹ.

Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đan rơm của Tân Hà đã thực sự chinh phục thị trường thời trang thế giới, đã làm được điều “đưa rơm cỏ đến thương hiệu thời thượng”. Nhiều thương hiệu thời trang nổi tiếng thế giới như ZARA, COACH, MK… đã tìm đến Tân Hà để đặt hàng thiết kế hoặc thuê gia công các sản phẩm cao cấp được làm từ đan rơm.

Công Tuyên – Thành Dương (TTXVN)
Trung Quốc nỗ lực hồi sinh quần thể cá tầm đang có nguy cơ tuyệt chủng
Trung Quốc nỗ lực hồi sinh quần thể cá tầm đang có nguy cơ tuyệt chủng

Tập đoàn Tam Hiệp Trung Quốc (CTG) ngày 7/6 đã thả hơn 800.000 con cá tầm trên thượng nguồn sông Dương Tử với kỳ vọng hồi sinh quần thể hoang dã của loài cá tầm Dabry vốn đang có nguy cơ tuyệt chủng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN