Luật súng đạn của New Zealand trở thành tâm điểm gây tranh cãi

Luật súng đạn của New Zealand đã lập tức trở thành tâm điểm gây tranh cãi khi nhiều người cho rằng chính những quy định lỏng lẻo về sở hữu súng đạn là một yếu tố khiến Brenton Harrison Tarrant quyết định tiến hành vụ thảm sát ở thành phố Christchurch. 

Chú thích ảnh
Cảnh sát điều tra tại hiện trường vụ xả súng ở Christchurch, New Zealand, ngày 17/3/2019. Ảnh: THX/ TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại New York, một bài viết đăng trên tờ New York Times số ra mới đây cho biết luật sở hữu súng đạn của New Zealand và Australia đã trở thành đề tài so sánh sau khi cảnh sát xác định hung thủ là một công dân Australia. Luật của New Zealand về mua bán và sở hữu súng trường bán tự động tuy có nghiêm ngặt hơn ở Mỹ nhưng lại lỏng lẻo hơn so với Australia vì người dùng có thể mua hầu hết các loại súng mà không cần có hồ sơ theo dõi.

Ông Philip Alpers thuộc GunPolicy.org, một tổ chức quốc tế hỗ trợ kiểm soát súng đạn và ngăn ngừa thương vong do vũ khí, cho biết New Zealand gần như là nước duy nhất, ngoại trừ Mỹ, có tới 96% số súng đạn lưu hành không phải đăng ký. Cùng với hệ thống luật pháp còn tồn tại nhiều lỗ hổng lớn, việc dễ dàng sở hữu súng đạn ở New Zealand có thể là một yếu tố khiến Tarran, một công dân Australia, quyết định tới New Zealand để gây án. 

Trong khi đó, ở Australia, kể từ sau vụ một tay súng thảm sát 35 người ở Port Arthur, Tasmania vào năm 1996, các cơ quan chức năng nước này đã tiến hành một trong những chiến dịch quy mô nhất thế giới nhằm loại bỏ nguy cơ xảy ra những vụ tấn công bằng vũ khí nóng. Luật sở hữu súng ở đây được thắt chặt, đặc biệt hạn chế việc cấp phép sở hữu súng trường bán tự động. Chính phủ Australia cũng đã thu mua lại 650.000 đơn vị vũ khí các loại từ người dân. 

Ông Alpers cho rằng luật quản lý súng đạn của New Zealand phân cấp hơn luật của Australia, và khó xác định được là ủng hộ hay chống sở hữu súng. Ví dụ súng trường bán tự động và các loại súng lục thì cần được cấp phép đặc biệt, mỗi người mỗi lần chỉ được mua một khẩu súng bán tự động và để mua nhiều hơn thì rất khó. Tuy nhiên, không khó để sở hữu rất nhiều vũ khí nếu nhiều người cùng mua. 

Trong bối cảnh vụ xả súng ở Christchurch khiến hơn 50 người thiệt mạng đang gióng lên hồi chuông báo động về luật sở hữu súng đạn của New Zealand, ngày 18/3 vừa qua, Thủ tướng nước này Jacinda Ardern đã công bố các kế hoạch thắt chặt luật sử dụng súng đồng thời khuyến khích người sở hữu súng tự giác giao nộp những vũ khí không cần thiết. Bà cho biết kế hoạch chi tiết sửa đổi luật sở hữu súng sẽ được chính phủ công bố trong tuần tới. 

Những quan ngại về việc buông lỏng kiểm soát súng đạn ở New Zealand cũng đã lan tới bên kia bán cầu, cụ thể là Canada. Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, Bộ trưởng An ninh công cộng Canada Ralph Goodale cho biết vụ xả súng ở New Zealand đã gây lo ngại trên toàn cầu và sẽ khiến các nghị sỹ nước này xem xét kỹ lưỡng luật sử dụng súng của Canada cũng như đưa ra một số quyết định kịp thời. Bộ trưởng Goodale cũng cho biết Bộ trưởng An ninh biên giới và giảm tội phạm có tổ chức, Bill Blair sẽ sớm đưa ra các khuyến nghị.

Hồi tháng 8 năm ngoái, đã có ý kiến đề nghị bộ trên tiến hành nghiên cứu về phương án cấm hoàn toàn súng ngắn và vũ khí tấn công ở Canada.

Trước đó, dự luật kiểm soát súng đạn ở Canada đã được trình lên Thượng viện xem xét, theo đó sẽ mở rộng phạm vi kiểm tra lý lịch đối với những người muốn mua súng trên lãnh thổ Canada.

Hải Vân - Việt Dũng (TTXVN)
Vụ xả súng tại Hà Lan: Mở rộng điều tra động cơ vụ tấn công
Vụ xả súng tại Hà Lan: Mở rộng điều tra động cơ vụ tấn công

Truyền thông Hà Lan rạng sáng 19/3 đưa tin, lực lượng chức năng Hà Lan đêm 18/3 đã bắt nghi phạm thứ 3 trong vụ xả súng nhằm vào một tàu điện ở Utrecht, Hà Lan, vốn làm ít nhất 3 người thiệt mạng và 5 người bị thương, trong đó có 3 trường hợp trong tình trạng nguy kịch. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN