Truyền thông mất kiểm soát trong việc đưa tin các vụ xả súng hàng loạt

Trong những vụ xả súng hàng loạt, việc truyền thông đua nhau đưa tin quá chi tiết về thủ phạm đã khiến công chúng có cái nhìn một chiều. Hung thủ trở thành tâm điểm truyền thông, trong khi nạn nhân, cảnh sát và những người xả thân đương đầu với kẻ thủ ác lại không mấy được biết đến.

Chú thích ảnh
Người dân đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân vụ xả súng nhà thờ Hồi giáo ở New Zealand. Ảnh: Reuters

Trong thời gian dài, đã xuất hiện phong trào yêu cầu các cơ quan truyền thông ngừng nêu chi tiết danh tính và những thông tin quá chi tiết về thủ phạm các vụ xả súng hàng loạt. Nhiều ý kiến chỉ trích cho rằng động thái này không thể giúp công chúng hiểu hơn về động cơ của vụ tấn công, mà thay vào đó vô tình biến thủ phạm trở thành “nhân vật trang bìa”, “người nổi tiếng”...

Theo các nhà hoạt động, cách đưa tin như vậy chỉ có tác dụng thu hút sự tò mò của một bộ phận dư luận, song mặt trái của nó là có thể kích động cho những kẻ khác học tập làm điều tương tự. Xuất hiện dày đặc trên phương tiện truyền thông đã biến không ít hung thủ xả súng trở thành "hình tượng hoặc người hùng" của những kẻ cùng có tư tưởng cực đoan, bạo lực.

Hãng thông tấn AP (Mỹ) đưa tin tay súng tấn công hai nhà thờ Hồi giáo tại New Zealand ngày 15/3 khiến 49 người tử vong, đã thừa nhận hắn học tập theo kẻ bắn chết 9 người da màu tại một nhà thờ ở Charleston, bang Nam Carolina (Mỹ) năm 2015.

Kẻ xả súng tại trường tiểu học Sandy Hook năm 2012 tại Mỹ thậm chí còn lưu trữ dữ liệu báo chí của nhiều năm về các vụ xả súng hàng loạt.

Trên thực tế sau mỗi vụ xả súng, thông tin về hung thủ thường xuất hiện đầu tiên và tràn ngập trên phương tiện truyền thông tại Mỹ, trong khi thông tin về các nạn nhân, phản ứng của lực lượng thực thi pháp luật hay công tác khắc phục hậu quả lại ít hơn. Theo các nhà hoạt động, đây thật sự là một vấn đề.

Nhà tội phạm học tại Đại học Alabama - ông Adam Lankford, người từng nghiên cứu về ảnh hưởng của truyền thông với những kẻ âm mưu xả súng - nhận ra rằng việc tránh đưa tin quá nhiều về các tay súng là rất quan trọng và các hãng truyền thông cần phải tính tới.

Ông Adam Lankford nhấn mạnh: “Nhiều trong số những kẻ xả súng này muốn được đối xử như người nổi tiếng. Chúng muốn vang danh, được dư luận nhắc tới. Vì vậy, điều then chốt là không nên cho chúng thứ chúng muốn”.

Chú thích ảnh
Hiện trường vụ xả súng tại Las Vegas năm 2017. Ảnh: BBC

Chỉ bốn ngày sau vụ xả súng tại Las Vegas năm 2017, vụ xả súng đẫm máu nhất trong lịch sử Mỹ hiện đại, nhà tội phạm học kỳ cựu Adam Lankford đã kêu gọi các hãng truyền thông hạn chế nêu danh thủ phạm hoặc đưa tin quá chi tiết về hắn.

Ông Adam Lankford đánh giá kẻ xả súng có tâm lý muốn cố gắng "vượt mặt" những tay súng trước đó về số người chúng sát hại. Do vậy, truyền thông đã vô tình trở thành công cụ khuyến khích những kẻ bắt chước.

Năm 2018, Ủy ban An toàn trường học liên bang Mỹ đã đề nghị truyền thông hạn chế đưa danh tính và ảnh của những kẻ xả súng hàng loạt.

Ông Adam Skaggs tại Trung tâm Luật Giffords (Mỹ) thừa nhận cần phải cảm thông vì các nhà báo cũng chịu áp lực về việc đưa tin. Tuy nhiên, cần có sự cân bằng để công chúng “nhận được đủ thông tin”, thay vì tập trung quá nhiều vào kẻ xả súng, dù đây là điều hấp dẫn bạn đọc.

Giáo sư James Alan Fox tại Đại học Northeastern cho biết việc nêu danh kẻ xả súng không phải là vấn đề chính, mà sai lầm nằm ở chỗ truyền thông thường đăng tải quá chi tiết về những thông tin không cần thiết xoay quanh thủ phạm. Giáo sư Fox nói: “Đôi khi chúng ta nắm được thông tin về kẻ xả súng như sở thích, cuộc sống hay nỗi thất vọng của chúng còn rõ hơn những gì chúng ta biết về hàng xóm của mình”.

Ông bà For Caren và Tom Teves đã mất đi con trai của họ trong vụ xả súng tại rạp chiếu phim ở Aurora, Colorado năm 2012. Phải mất 15 tiếng họ với biết về số phận của con trai mình, trong khi lại liên tục nhận thông tin về kẻ xả súng qua truyền thông.

Ông Tom Teves bộc bạch: “Không hẳn là không nêu danh thủ phạm, nhưng điều chúng tôi muốn là truyền thông hãy đưa tin về chúng một cách có trách nhiệm và đừng biến những kẻ này thành nhân vật trung tâm”.

Hà Linh/Báo Tin tức
Tổng thống Nam Phi mắc kẹt 3 tiếng đồng hồ trên tàu hỏa
Tổng thống Nam Phi mắc kẹt 3 tiếng đồng hồ trên tàu hỏa

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã bị mắc kẹt nhiều giờ trên một tàu hỏa, nhưng sự cố này phần nào giúp ông có cái nhìn chân thực hơn về nỗi khổ của người tham gia giao thông tại đất nước mình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN