Đoạn 1
Theo phân tích của BBC, bức thư của ông Donald Trump gọi ông Kim Jong-un là “Ngài”, một từ khác thường mà một lãnh đạo Mỹ dùng để gọi nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cầm bức thư mà ông Trump gửi ông Kim Jong-un. Ảnh: Getty |
Mở đầu bức thư, ông Trump bắt đầu hơi giống như mẫu thư doanh nghiệp khi cảm ơn nhà lãnh đạo Triều Tiên vì đã bỏ thời gian, kiên nhẫn và nỗ lực.
Ông Trump cũng có ý chỉ trích ông Kim Jong-un nhưng theo giọng điệu tránh đối đầu. Ông nói rõ rằng ông Kim Jong-un chính là người muốn có cuộc họp thượng đỉnh cho dù cuộc họp là điều “hoàn toàn không phù hợp” với Mỹ. Ông Trump cũng nhấn mạnh rằng đây là một cuộc họp đã được lên kế hoạch từ lâu, được đề xuất từ tháng 3 và chốt ngày giờ cách đây ít lâu.
Điều quan trọng của bức thư nằm ở cuối đoạn, nhưng đây cũng là lúc ngòi bút của ông Trump trở nên đe dọa: Ngài nói về năng lực hạt nhân của ngài, nhưng năng lực hạt nhân của chúng tôi cũng rất lớn mạnh mà tôi cầu Chúa là chúng sẽ không bao giờ được sử dụng.
Trước khi Mỹ công bố bức thư, Triều Tiên sáng 24/5 đã thông báo đánh sập các đường hầm tại khu vực thử hạt nhân duy nhất ở miền Bắc đất nước. Tuy nhiên, Triều Tiên cũng đưa ra lời đe dọa chiến tranh hạt nhân và chỉ trích Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence bằng những ngôn từ rất gay gắt.
Ông Trump đã thể hiện nhiều lần rằng ông không chịu lùi bước trước những đòn tấn công bằng ngôn từ của Triều Tiên. Ông đáp trả bằng thứ ngôn ngữ “lửa cháy và thịnh nộ”, tự hào về kho vũ khí hạt nhân mạnh mẽ, uy lực của Mỹ và “cầu Chúa chúng sẽ không bao giờ được sử dụng”.
Câu nói này cho thấy ông Trump đã trở lại với giọng điệu cuối mùa hè năm 2017, khi Mỹ và Triều Tiên dường như đang hướng tới một đối đầu quân sự.
BBC nhận định: Mở đầu bức thư có thể có giọng điệu ngoại giao, nhưng giọng điệu của ông Trump vẫn xuyên suốt.
Đoạn 2
Đến đoạn thứ hai, giọng điệu ngoại giao lại trở lại khi ông Trump nhấn mạnh sự tan băng gần đây giữa hai quốc gia (“đối thoại tuyệt vời”) và cho rằng cánh cửa chưa bị đóng hẳn.
Ảnh chụp toàn bộ bức thư. Ảnh: BBC |
Ông Trump viết rằng ông vẫn mong chờ cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên vào một ngày nào đó. Ông ca ngợi “cử chỉ đẹp” của Triều Tiên khi thả ba tù nhân Mỹ. Theo BBC, một số người có thể thắc mắc liệu đây có phải là nơi phù hợp để dùng nhưng ngôn từ ngợi ca đó.
Đoạn 3
Mẫu thư doanh nghiệp lại xuất hiện trong đoạn kết bức thư mà BBC nhận định là “đoạn văn xuôi tra tấn”: “Nếu Ngài đổi ý về việc phải làm với cuộc họp thượng đỉnh quan trọng nhất này, hãy đừng ngần ngại và gọi điện hoặc viết thư cho tôi”.
Bức thư khép lại với tâm trạng tiếc nuối. Trước đây, ông từng thông báo trên Twitter về thời gian, địa điểm của hội nghị thượng đỉnh mà nay đã bị hủy. Ông cho rằng cuộc gặp có thể là “một khoảnh khắc rất đặc biệt cho hòa bình thế giới”. Người ủng hộ thậm chí còn đề cập khả năng ông giành Giải Nobel Hòa bình – điều mà ông tự thừa nhận là nhiều người nghĩ rằng ông xứng đáng.
Trong bối cảnh đó, khi mà hội nghị bị hủy, với ông Trump, đó là “một khoảnh khắc buồn trong lịch sử”.