Ngày 24/5, các phóng viên quốc tế đã có mặt tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri để chứng kiến Triều Tiên phá hủy bãi thử này. Bất chấp động thái đầy thiện chí của Triều Tiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng ngày bất ngờ gửi thư thông báo hủy hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều dự kiến tổ chức tại Singapore ngày 12/6 tới.
Cuộc gặp được mong đợi dự kiến bàn về vấn đề phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Phía Mỹ từng hứa sẽ đảm bảo an ninh và giúp Triều Tiên phát triển kinh tế nếu nước này đồng ý phi hạt nhân hóa. Trong bối cảnh hội nghị thượng đỉnh bị hủy như hiện nay, cho dù không có bảo đảm của Mỹ, Triều Tiên vẫn có cách để phi hạt nhân hóa vì lợi ích của chính mình.
Theo Financial Times, nếu nhà lãnh đạo Kim Jong-un quyết định giải giáp kho vũ khí hạt nhân thực sự, lịch sử sẽ ghi tên ông là nhà lãnh đạo thứ hai trên thế giới thực hiện điều này.
Người thứ nhất là Tổng thống F.W. de Klerk, tổng thống cuối cùng của Nam Phi thời chế độ phân biệt chủng tộc apartheid.
Ông F.W. de Klerk. Ảnh: Reuters |
Cũng như với ông Kim Jong-un, hầu như không ai cho rằng Tổng thống Klerk thời đó sẽ từ bỏ kho vũ khí hạt nhân. Anh trai của ông Klerk từng nhận xét là ông Klerk tin tưởng tuyệt đối rằng tập hợp theo nhóm chủng tộc là cách sống duy nhất. Với suy nghĩ đó, ông Klerk chưa từng nghĩ tới việc thay đổi.
Câu chuyện về quá trình từ bỏ vũ khí hạt nhân của Nam Phi thời đó hầu như không được nhắc tới trong bối cảnh hạt nhân hiện tại trên Bán đảo Triều Tiên.
Trong khi đó, thứ được nhắc tới nhiều nhất là “mô hình Libya”, tức là từ bỏ hạt nhân để đổi lấy hội nhập kinh tế. Cần phải nói rằng thời điểm nhà lãnh đạo Libya là ông Muammar Gaddafi từ bỏ chương trình phát triển hạt nhân, Libya phải cần thêm 5-10 năm nữa mới có thể phát triển được quả bom hạt nhân đầu tiên. Còn việc từ bỏ vũ khí hạt nhân đã phát triển đầy đủ và có thể hoạt động như của Nam Phi lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Triều Tiên được cho là đang có khoảng 60 vũ khí hạt nhân có thể hoạt động.
Kho vũ khí của Nam Phi thời đó được giải giáp nhanh chóng, bí mật và đơn phương. Mặc dù đây có thể không phải là viễn cảnh tốt nhất sẽ xảy ra với trường hợp Triều Tiên, nhưng có những đặc điểm khác có thể liên hệ.
Khi trở thành tổng thống Nam Phi năm 1989, ông Klerk đối mặt hai lựa chọn: tiếp tục cuộc chiến hàng chục năm của chính phủ chống lại cộng đồng người da màu bằng những biện pháp chuyên chế nhất hoặc mở ra con đường tiến tới hòa giải bằng đàm phán. Ông Klerk đã chọn cách thay đổi lịch sử.
Giai đoạn khởi đầu ngoại giao hiện nay của Triều Tiên cũng khiến ông Kim Jong-un có lựa chọn tương tự: Ông có thể đưa Triều Tiên thoát khỏi quá khứ bị cô lập, hướng tới một tương lai hội nhập hơn.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: KCNA |
Như Nam Phi cuối những năm 1980, Triều Tiên ngày nay cũng coi chương trình vũ khí hạt nhân là “bảo kiếm” để răn đe, cân bằng lực lượng với các thế lực thù địch.
Với ông Klerk ngày đó, ông coi vũ khí hạt nhân bí mật của Nam Phi là một vật cản với cải cách chính trị và giành được lòng tin quốc tế. Israel, Mỹ và một số nước phương Tây biết rằng Nam Phi có vũ khí hạt nhân, nhưng thông tin tình báo về chương trình này của Nam Phi khá hạn chế.
Nam Phi đã chế tạo 6 vũ khí hạt nhân vào cuối những năm 1980 và vũ khí thứ 7 đã được phát triển. Ngoài ra, nước này còn có kế hoạch xây dưng một thế hệ mới các đầu đạn hạt nhân có thể lắp vừa các tên lửa.
Việc ông Klerk ra lệnh phá hủy chương trình hạt nhân khiến các quan chức quốc phòng choáng váng. Không ai từng bàn bạc hay cân nhắc chuyện giải giáp hạt nhân trước đó. Rủi ro liên quan sẽ vô cùng lớn. Về mặt biểu tượng và cả thực tế, vũ khí hạt nhân được xem là yếu tố đảm bảo tối thượng cho chính quyền của người da trắng ở Nam Phi. Người tiền nhiệm của ông De Klerk là P.W. Botha, đã chỉ trích ông, cho rằng ông sẽ phá hủy nhà nước Nam Phi khi xóa bỏ chương trình hạt nhân. Suýt nữa Nam Phi đã xảy ra phản ứng bạo lực, thậm chí là đảo chính quân sự sau vụ việc.
Ông Klerk đối mặt sức ép quốc tế căng thẳng. Thời đó, Mỹ và Israel sợ nếu chính phủ của đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) của ông Nelson Mandela thừa hưởng năng lực vũ khí hạt nhân, công nghệ sản xuất vũ khí này có thể được bán cho các nước chống đối phương Tây như Libya, Cuba hay Iran để gán nợ.
Một trong những mối lo ngại trước mắt với ông Klerk là mối đe dọa của những người da trắng đang làm việc trong chương trình hạt nhân. Họ giận dữ và có thể bán nguyên liệu hay thiết kế chế tạo bom lấy lợi ích hoặc đạt được mục đích chính trị. Ông sợ rằng họ sẽ tống tiền chính phủ của mình để duy trì chế độ apartheid.
Ông Klerk biết rằng các quan chức quốc phòng cấp cao và đặc biệt là các nhà khoa học, kỹ sư làm việc trong chương trình hạt nhân nhiều chục năm qua sẽ cảm thấy bị phản bội, niềm tự hào bị vùi dập. Ông cần phải giành được sự ủng hộ của họ. Cuối cùng, những quan chức ngoan cố nhất cũng đã chia sẻ suy nghĩ với ông Klerk. Một nhà khoa học cho biết quyết định bỏ hạt nhân là đúng đắn vì những quả bom này không phải là thứ có thể sử dụng.
Nam Phi gia nhập Hiệp ước không phổ biến hạt nhân (NPT) với tư cách là quốc gia không vũ khí hạt nhân sau khi nước này đã bí mật giải giáp năm 1991. Tham gia NPT đã giúp nước này được dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt và cho thấy Nam Phi cam kết cải cách và xây dựng quan hệ mới với châu Phi cùng thế giới. Nghi ngờ chính quyền của ông Klerk dùng vũ khí hạt nhân để bấu víu quyền lực bị dẹp bỏ.
Là nước duy nhất tự nguyện từ bỏ vũ khí hạt nhân, Nam Phi ngày càng có vị thế trên cộng đồng quốc tế. Vị trí của ông Klerk được củng cố. Sáu tháng sau khi công khai đã phá hủy kho vũ khí hạt nhân bí mật, ông Klerk được trao giải Nobel Hòa bình cùng ông Mandela vì đã giúp đặt nền móng cho dân chủ.
Ông F.W. de Klerk (trái) và Nelson Mandela năm 1994, một năm sau khi ông Klerk tiết lộ Nam Phi từng có và từng tiêu hủy vũ khí hạt nhân. Ảnh: Reuters |
Đảng ANC của ông Mandela đã tận dụng hiệu quả quyết định giải giáp hạt nhân của ông Klerk trên lĩnh vực ngoại giao sau khi đảng này cầm quyền năm 1994. Nam Phi có được danh tiếng là một thành viên trong câu lạc bộ không có hạt nhân, dọn đường cho đàm phán thành công trên toàn châu lục để tuyên bố Nam Phi là khu vực không vũ khí hạt nhân, từ đó hiệp ước Pelindaba đã ra đời. Pelindaba là nơi mà Nam Phi phát triển bom hạt nhân.
Câu chuyện của Nam Phi có ý nghĩa thế nào với triển vọng phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên? Từ trước tới nay, người ngoài đều cho rằng chính quyền Triều Tiên sẽ ký vào án tử hình nếu giải giáp vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, gần đây, Triều Tiên đã tuyên bố hướng tới phi hạt nhân hóa, mà bước đầu tiên là ngừng thử hạt nhân, dỡ bỏ bãi thử Punggye-ri dưới sự chứng kiến của báo chí quốc tế.
Tờ Financial Times kết luận nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể không giống Tổng thống Klerk của Nam Phi, nhưng nếu ông từng tính đến chuyện cải cách để tập trung vào phát triển kinh tế và muốn đàm phán với Mỹ, ông cũng có thể đang có suy nghĩ rằng vũ khí hạt nhân đáng bị phá hủy hơn là mang ra triển khai.