Thứ nhất, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton từng chọc giận Triều Tiên hôm 14/5 khi gợi ý về một “mô hình Libya” nhằm dỡ bỏ chương trình hạt nhân Triều Tiên – một ý tưởng mà ngay sau đó được Phó Tổng thống Pence cổ suý. Bình Nhưỡng nổi giận với ý tưởng này bởi kết cục tất cả đều đã biết với cựu lãnh đạo Libya Muammar Qaddafi. Ông Qaddafi sở hữu chương trình vũ khí hạt nhân, nhưng vào năm 2003 đã đạt thoả thuận với chính quyền Tổng thống George W. Bush về việc chuyển giao các nguyên liệu hạt nhân cũng như tiết lộ nơi họ mua được vũ khí này.
Năm 2011, phiến quân chống ông Qaddafi đã bắt và sát hại ông với sự hậu thuẫn của người Mỹ. Nếu như ông Qaddafi còn giữ vũ khí hạt nhân, thì khả năng lớn là Mỹ sẽ không can thiệp vào cuộc nội chiến Libya và ông cũng không phải chịu một kết cục bi thảm như vậy. Triều Tiên chắc chắn thấm thía bài học đó. "Ông Kim Jong-un không muốn chịu kết cục như Qaddafi, bị lật đổ bởi sự trợ giúp quân sự của phương Tây sau khi từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân”, ông Kelsey Davenport, chuyên gia hạt nhân tại Hiệp hội Kiểm soát vũ khí (ACA), nhận xét.
Điều đó dẫn tới vấn đề thứ hai: Mỹ và Triều Tiên không thể nhất trí về hành động đối với chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Ông Trump muốn Triều Tiên từ bỏ toàn bộ kho vũ khí hạt nhân. Nhưng Bình Nhưỡng chưa bao giờ tuyên bố sẽ kết thúc chương trình hạt nhân, mặc dù có khẳng định sẽ ngừng thử tên lửa, bom hạt nhân và dỡ bỏ một bãi thử hạt nhân.
Video Tổng thống Trump phát biểu sau khi công bố lá thư huỷ gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều - Nguồn: CBSNews
Yêu sách của ông Trump đã “làm khó” Triều Tiên. “Nếu Mỹ đang nỗ lực đẩy chúng tôi vào góc tường để buộc chúng tôi đơn phương từ bỏ chương trình hạt nhân, chúng tôi sẽ không còn hứng thú với cuộc đối thoại như thế và không thể xem xét lại tiến trình của chúng tôi với cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều”, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Kim Kye Gwan phát biểu hôm 16/5.
Câu hỏi lúc này là chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo?Theo tờ Vox, chuyên gia hạt nhân tại Viện Công nghệ Massachussetts, Vipin Narang đưa ra 4 kịch bản tiềm tàng, từ khả quan nhất cho đến tồi tệ nhất về những gì có thể xảy ra sau khi cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim bị huỷ.
Thứ nhất, cả hai bên có thể đi đến quyết định trì hoãn Hội nghị vì họ nhận ra còn khác biệt quá xa về vấn đề phi hạt nhân hoá. Điều này cho phép Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và các nhân viên cấp thấp hơn thêm thời gian để nối cây cầu bắc qua khoảng trống giữa hai nước. Và nếu họ đi đến một sự nhất trí nào đó, thì tiếp đến hai nhà lãnh đạo có thể gặp gỡ để thảo luận một thoả thuận. Đây là kịch bản tốt đẹp nhất, khi các giải pháp ngoại giao phát huy hiệu quả.
Thứ hai, Washington và Bình Nhưỡng trì hoãn hội nghị nhưng không đạt được tiến bộ đáng kể nào hướng tới một thoả thuận về phi hạt nhân hoá, do họ vẫn còn khác biệt về việc chấm dứt chương trình hạt nhân Triều Tiên. Tuy vậy, quan hệ giữa hai nước vẫn được duy trì ở mức độ khá hơn những gì xảy ra trong nhiều thập kỷ trước đây.
Thứ ba, “quá trình tăng nhiệt diễn ra cũng nhanh như khi nó tan đi, và chúng ta sẽ quay trở lại thời điểm 2017”, chuyên gia Narang nhận định. Điều đó có nghĩa, Triều Tiên có thể quay trở lại thử tên lửa, và Mỹ có thể áp đặt các lệnh trừng phạt.
Và thứ tư, những lời khẩu chiến nảy lửa giữa ông Trump và ông Kim hồi năm 2017 trở thành sự thực: hai bên đi tới chiến tranh. Chính quyền Tổng thống Trump có thể theo đuổi ‘phi hạt nhân hoá bằng vũ lực", "sử dụng một cuộc gặp thượng đỉnh thất bại để làm bằng chứng rằng, giải pháp ngoại giao là vô ích", ông Narang nhận định.
Chuyên gia này cũng cho rằng, kịch bản thứ hai – một hội nghị bị trì hoãn và không có tiến triển chính trị nào- là khả năng dễ xảy ra nhất. Chiến tranh là khả năng khó xảy ra hơn vào lúc này bởi Mỹ biết rằng nếu kịch bản đó xảy ra, Triều Tiên có thể sử dụng vũ khí hạt nhân giáng xuống các đồng minh Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc.