Dồn dập diễn biến nóng
Đêm 17/10, theo cơ quan y tế chính quyền Hamas ở Dải Gaza, ít nhất 500 người chết trong vụ nổ bệnh viện Ahli Arab ở đây.
Hamas đã cáo buộc Israel gây ra vụ tấn công. Phong trào Hezbollah ở Liban cũng đổ lỗi cho Israel về vụ việc, đồng thời kêu gọi “ngày thịnh nộ” nhằm vào kẻ thù. Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian kêu gọi nhân loại đoàn kết trên toàn cầu để phản đối Israel.
Về phần mình, Israel khẳng định chắc chắn rằng quân đội nước này không tiến hành bất kỳ hoạt động nào trong khu vực này vào thời điểm đó và cáo buộc nhóm Thánh chiến Hồi giáo Palestine gây ra do phóng tên lửa thất bại.
Hiện vẫn chưa rõ vụ nổ bệnh viện là do bên nào gây ra, nhưng ngay lập tức, Tổng thống Chính quyền Palestine Mahmoud Abbas đã hủy tham gia cuộc họp với Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo Jordan, Ai Cập. Sau đó, Jordan thông báo hội nghị thượng này cũng đã bị hủy bỏ.
Trong khi đó, theo hãng tin AP, Mỹ đang điều thêm tàu chiến đến Trung Đông sẵn sàng hỗ trợ Israel trong cuộc xung đột với lực lượng Hamas. Ngoài ra, khoảng 2.000 binh sĩ Mỹ đang ở trong tình trạng sẵn sàng cao. Nhiều máy bay đã được điều động đến các căn cứ quân sự của Mỹ quanh Trung Đông, trong khi lực lượng tác chiến đặc biệt của Mỹ đang hợp tác với quân đội Israel về lập kế hoạch và tình báo. Tính đến ngày 17/10, Mỹ đã thực hiện tổng cộng 5 đợt chuyển vũ khí và thiết bị đến Israel.
Các diễn biến trên diễn ra trong bối cảnh quân đội Israel có thể thực hiện một cuộc tấn công trên bộ vào Dải Gaza để tiêu diệt nhóm Hamas. Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant tuyên bố ông đã gỡ bỏ mọi hạn chế cho quân đội nước này trong cuộc chiến chống Hamas.
Hiện chưa rõ bao giờ Israel sẽ mở chiến dịch tấn công trên bộ vào Gaza, nhưng một khi xảy ra, người gánh chịu đau khổ, mất mát nhiều nhất vẫn là dân thường. Cuộc tấn công trên bộ sắp diễn ra có thể khiến tương lai của Gaza thêm đen tối với những hậu quả không thể tưởng tượng nổi.
Các kịch bản có thể xảy ra
Trong bối cảnh đó, thế giới còn lo ngại xung đột giữa Israel và Hamas có nguy cơ lan rộng, liên quan tới các nhân tố, quốc gia khác như nhóm Hezbollah ở Liban, Iran và Mỹ. Dựa trên diễn biến hiện tại và các phân tích, tờ The Telegraph đã vạch ra các kịch bản có thể xảy ra đối với cuộc xung đột nóng nhất toàn cầu hiện nay.
Kịch bản đầu tiên là Israel xóa sổ Hamas. Israel có thể hướng tới một cuộc tấn công có giới hạn thời gian, trong đó gần như tất cả thành viên Hamas đều bị tiêu diệt, sau đó lực lượng Israel rút lui tương đối nhanh chóng.
Chiến thắng trước Hamas về mặt quân sự sẽ đồng nghĩa với việc tiêu diệt hoặc bắt giữ tất cả 30.000 - 40.000 thành viên của nhóm và phá hủy cơ sở hạ tầng quân sự của Hamas, như các địa điểm phóng rocket. Israel cũng có thể muốn loại bỏ đơn vị đặc công Nukhba tinh nhuệ và tiêu diệt hoặc bắt giữ toàn bộ lãnh đạo chính trị của nhóm.
Việc Israel ra lệnh cho người Palestine sơ tán về phía Nam Gaza cho thấy họ đang cố gắng chia đôi dải đất này: nửa phía Bắc là nơi hầu hết các cuộc giao tranh với Hamas sẽ diễn ra và nửa phía Nam là nơi thường dân Palestine lánh nạn..
Nếu cuộc tấn công của Israel thành công về mặt quân sự, Gaza sẽ cần có lãnh đạo mới và đây là điều mà người Israel sẽ kiểm soát chặt chẽ.
Kịch bản tiếp theo là Israel chia cắt Gaza. Theo đó, Israel có thể mở rộng chiếm đóng quân sự kéo dài hàng thập kỷ ở Bờ Tây sang cả Gaza. Đây là một nhiệm vụ to lớn, đòi hỏi một số lượng lớn binh sĩ ở lại Gaza trong tương lai gần.
Hành động chiếm đóng như vậy sẽ kéo dài trong nhiều năm hoặc có thể là nhiều thập kỷ chứ không phải vài tháng. Kịch bản này có thể liên quan đến việc chia Dải Gaza thành những mảnh đất khác nhau nhằm chia cắt Gaza thành khu vực của các tay súng ở phía Bắc và dân thường ở phía Nam. Trong thực tế, Israel đang ra lệnh cho dân Palestine di dời về phía Nam.
Tuy nhiên, Tổng thống Israel Isaac Herzog dường như đã loại trừ kịch bản này. Ông nói: “Chúng tôi không có mong muốn chiếm đóng hay tái chiếm Gaza. Chúng tôi không có mong muốn cai trị cuộc sống của hơn 2 triệu người Palestine”.
Kịch bản tiếp theo là việc Israel có thể thất bại trong chiến dịch tấn công Hamas. Trong thực tế, cuộc chiến với Hamas sẽ kéo dài, khó khăn và tốn kém đối với Israel. Nhóm Hồi giáo này có ít nhất 30.000 tay súng được trang bị vũ khí và huấn luyện tốt. Họ là những người có lợi thế trong việc bảo vệ lãnh thổ mà họ nắm rất rõ.
Trong cuộc tấn công ngày 7/10 vừa rồi, Hamas đã cho thấy khả năng đánh bại hàng rào an ninh của Israel khi có thể đưa hàng trăm tay súng xâm nhập miền Nam nước này. Quân đội Israel bị chỉ trích vì chậm tiếp cận và đẩy lùi Hamas. Nói cách khác, Israel chưa bao giờ phải đối mặt với một thử thách quân sự như thế này trước đây.
Nếu cuộc tấn công trên bộ ở Gaza thất bại và một số lượng lớn quân Israel thiệt mạng, Thủ tướng Israel có thể buộc phải chịu áp lực hạn chế phạm vi tấn công trên bộ hoặc hủy bỏ tấn công, sau đó phải tham gia đàm phán về con tin.
Kịch bản thứ tư là cuộc xung đột lan ra khu vực. Iran và nhóm Hezbollah ở Liban đã cảnh báo sẽ tham gia cuộc chiến nếu Israel thực hiện cuộc xâm lược trên bộ.
Hezbollah cũng có hiện diện ở Syria, trong khi một số lực lượng ủy nhiệm thân Iran ở Iraq cũng đưa ra lời cảnh báo tấn công Israel trong năm nay. Phe nổi dậy Houthi ở Yemen cũng được coi là lực lượng ủy nhiệm của Iran.
Điều đó tạo ra nguy cơ chiến tranh “đa mặt trận” nhằm vào Israel khi tên lửa được phóng vào nước này cả từ Iraq, Syria, Liban và có lẽ cả Yemen cùng một lúc.
Điều này có thể lý giải vì sao Israel chưa tiến hành ngay cuộc chiến trên bộ. Chiến tranh với Iran và các lực lượng ủy nhiệm của nước này thậm chí còn tốn kém hơn chiến tranh với Hamas, đặc biệt khi Hezbollah nói riêng có kho vũ khí mạnh hơn nhiều.
Tiến sĩ Julie Norman, chuyên gia về Trung Đông tại Đại học University College London, nhận định: “Khả năng leo thang trong khu vực rõ ràng là một mối lo ngại. Nỗ lực ngoại giao của Mỹ đã phát huy hết tác dụng với các đối tác Arab trong tuần này để cố gắng kiềm chế xung đột. Nhưng quân bài thực sự sẽ là Iran và liệu nước này có động thái kích hoạt hoàn toàn Hezbollah để mở mặt trận phía Bắc chống lại Israel hay không. Bất chấp leo thang xuyên biên giới, chúng ta vẫn chưa đến thời điểm đó và Mỹ, Israel cũng như các đối tác khu vực sẽ tìm cách ngăn chặn động thái đó”.
Kịch bản tồi tệ nhất là một cuộc chiến tranh toàn cầu. Đây là tình huống cực đoan nhất và không một nhà lãnh đạo nào muốn tự mình gánh chịu.
Nếu Hezbollah và Iran tham chiến, Mỹ sẽ phải đối mặt với áp lực để tiến hành các cuộc tấn công trực tiếp vào cả hai thực thể. Mỹ đã đưa máy bay ném bom F-15 tới Jordan và điều hai tàu sân bay tới khu vực. Anh đã đưa tàu Hải quân Hoàng gia tới Địa Trung Hải và cũng sẽ rơi vào tình trạng tương tự.
Điều này lại tạo ra nguy cơ xảy ra chiến tranh trực tiếp Mỹ - Iran. Nga, một đồng minh quan trọng của Iran, cũng có thể tham gia.
Khi đó, không thể loại trừ nguy cơ xảy ra xung đột toàn cầu, mặc dù đây vẫn là kịch bản ác mộng và xa vời nhất.
Trong khi đó, một số quốc gia, cụ thể là Trung Quốc và Nga, đã kêu gọi ngừng bắn ở Israel, nói rằng chỉ có ngoại giao và giải pháp hai nhà nước - trong đó hình thành một Nhà nước Palestine độc lập cùng với Nhà nước Israel - mới mang lại hòa bình và ổn định. Tuy nhiên, hiện tại, lệnh ngừng bắn gần như không thể thực hiện được, khi cuộc xung đột có thể sắp bước vào giai đoạn “nóng” với chiến dịch trên bộ của Israel.
Các nhà phân tích địa chính trị cho rằng một trong những trở ngại lớn nhất đối với hòa bình là trước khi chiến tranh nổ ra, quốc tế cũng chưa quan tâm đến một kết quả như vậy. Ông Yossi Mekelberg thuộc Chương trình Trung Đông và Bắc Phi của Chatham House, nói với CNBC hôm 13/10: “Tôi ước gì quốc tế quan tâm nhiều đến việc đạt được hòa bình từ khi chưa có đổ máu. Có lẽ khi đó chúng ta đã có thể ngăn chặn những thảm họa như vậy và tôi nghĩ mọi người nên chịu trách nhiệm về điều đó”.