Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Theo hãng tin Reuters ngày 10/4, chi tiết của chiến dịch này cho thấy chiến lược riêng của Apple trong né tránh thuế quan do ông Trump áp đặt, đồng thời tích trữ iPhone vốn là dòng sản phẩm chủ lực tại Mỹ - một trong những thị trường lớn nhất của hãng.
Các nhà phân tích cảnh báo giá iPhone tại Mỹ có thể tăng mạnh, do Apple phụ thuộc nhiều vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc – trung tâm sản xuất iPhone chính và là nơi đang chịu mức thuế cao nhất là 125% do ông Trump áp đặt.
Con số này cao hơn rất nhiều so với mức thuế 26% áp lên hàng nhập khẩu từ Ấn Độ, nhưng đã được tạm hoãn sau khi ông Trump tuyên bố lệnh tạm ngưng áp thuế kéo dài 90 ngày trong tuần này cho các quốc gia, ngoại trừ Trung Quốc.
Một nguồn tin quen thuộc với kế hoạch cho biết: “Apple muốn tránh bị áp thuế”.
Apple đã vận động giới chức sân bay Ấn Độ rút ngắn thời gian thông quan tại sân bay Chennai (bang Tamil Nadu) từ 30 giờ xuống còn 6 giờ.
Theo nguồn tin, thỏa thuận “hành lang xanh” tại sân bay ở trung tâm sản xuất của Ấn Độ này được mô phỏng theo mô hình Apple đang sử dụng ở một số sân bay tại Trung Quốc.
Khoảng sáu chuyến bay chở hàng, mỗi chiếc có sức chứa 100 tấn, đã rời khỏi Ấn Độ kể từ tháng 3. Một chuyến bay vừa cất cánh trong tuần này, trùng thời điểm thuế mới có hiệu lực.
Theo tính toán, trọng lượng đóng gói của một chiếc iPhone 14 cùng cáp sạc khoảng 350 gram, cho thấy tổng lượng hàng 600 tấn tương đương khoảng 1,5 triệu chiếc iPhone, sau khi tính cả bao bì.
Apple bán hơn 220 triệu chiếc iPhone mỗi năm trên toàn cầu. Công ty nghiên cứu Counterpoint ước tính hiện có khoảng 1/5 lượng iPhone nhập khẩu vào Mỹ đến từ Ấn Độ, phần còn lại từ Trung Quốc.
Động thái của Apple diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Trump liên tục tăng thuế với hàng Trung Quốc, lên mức 125% vào ngày 9/4, từ mức 54% trước đó.
Với mức thuế 54%, chiếc iPhone 16 Pro Max phiên bản cao cấp nhất có giá 1.599 USD tại Mỹ sẽ tăng lên 2.300 USD.
Tại Ấn Độ, Apple đã tăng cường vận chuyển bằng đường hàng không nhằm đạt mục tiêu nâng 20% sản lượng thông thường tại các nhà máy sản xuất iPhone, thông qua tuyển thêm lao động và tạm thời kéo dài hoạt động của nhà máy Foxconn lớn nhất tại đây sang cả ngày Chủ nhật.
Năm 2024,, nhà máy này sản xuất được 20 triệu chiếc iPhone, bao gồm cả iPhone 15 và 16.
Khi Apple mở rộng sản xuất ngoài Trung Quốc, Ấn Độ đang được xác định là mắt xích then chốt. Foxconn và Tata – hai nhà cung ứng chính của Apple tại đây – hiện có ba nhà máy và đang xây thêm hai nhà máy nữa.
Theo một quan chức cấp cao của Ấn Độ, Apple đã mất khoảng 8 tháng để lên kế hoạch và thiết lập quy trình thông quan nhanh tại Chennai. Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi cũng đã chỉ đạo các cơ quan hỗ trợ Apple.
Giá trị hàng hóa mà Foxconn xuất khẩu từ Ấn Độ sang Mỹ tăng vọt, đạt 770 triệu USD trong tháng 1 và 643 triệu USD trong tháng 2, so với mức 110 đến 331 triệu USD trong bốn tháng trước đó.
Hơn 85% số lô hàng của Foxconn trong tháng 1 và 2 được dỡ tại Chicago, Los Angeles, New York và San Francisco.