Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), ngày 30/3, Chánh Văn phòng Nội các Yoshihide Suga phủ nhận thông tin phong tỏa thủ đô Tokyo. “Thông tin chính phủ đang lên kế hoạch tuyên bố tình trạng khẩn cấp từ ngày 1/4 là không đúng”, Chánh Văn phòng Suga nhấn mạnh.
Quan chức này cho biết thêm cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Shinzo Abe và Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus không thảo luận về chủ đề đó.
Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh xuất hiện làn sóng kêu gọi Thủ tướng Abe ban bố tình trạng khẩn cấp để đối phó với dịch bệnh COVID-19.
“Nếu như chúng ta chờ cho đến khi ca nhiễm mới tăng mạnh mới tuyên bố tình trạng khẩn cấp, điều đó sẽ quá muộn. Gần như tất cả mọi người đều đồng ý về việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp”, Satoshi Kamayachi – thành viên ban điều hành Hội đồng Y tế Nhật Bản phát biểu trong một cuộc họp báo sau khi thảo luận với các thành viên khác trong hội. Trong khi đó, Thị trưởng Osaka Hirofumi Yoshimura cho rằng tỉnh này và Tokyo nên là những ứng viên đầu tiên áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt, ví dụ như yêu cầu người dân ở nhà.
Tuy nhiên, đề xuất này cũng dấy lên lo ngại về ảnh hưởng đến nền kinh tế Nhật Bản. Vì Tokyo và các vùng lân cận đóng góp 1/3 GDP cho quốc gia, lệnh phong tỏa sẽ là một cú giáng khác cho nền kinh tế vốn dĩ không còn đứng vững, đặc biệt là sau khi ra quyết định hoãn tổ chức Olympic Tokyo 2020 sang năm sau.
“Tác động của lệnh phong tỏa lớn hơn rất nhiều so với quyết định hoãn Olympic. Gần như tất cả các hoạt động kinh tế sẽ ngưng trệ và tiêu dùng sẽ giảm”, ông Yuichi Kodama, một nhà kinh tế làm việc tại công ty Bảo hiểm nhân thọ Meiji Yasuda, nhận định.
Hideo Kumano, chuyên gia kinh tế tại Viện nghiên cứu cuộc sống Dai-ichi, nói với Reuters rằng việc phong tỏa đô thị Tokyo sẽ tương tự như việc ngăn chặn dòng máu chảy qua nền kinh tế Nhật Bản. Ông ước tính lệnh phong tỏa thành phố trong một tháng có thể khiến nền kinh tế Nhật Bản thiệt hại khoảng 5,1 nghìn tỷ yen (47 tỷ USD).
Tokyo và các quận lân cận thuộc tỉnh Chiba, Kanagawa và Saitama đóng góp hàng năm vào khoảng 182,2 nghìn tỷ yen (1,7 nghìn tỷ USD), là nơi đặt trụ sở của 51% các công ty tập đoàn lớn nhất của Nhật Bản, đồng thời là điểm trung chuyển của hơn 1/5 hoạt động xuất khẩu và gần 1/3 hoạt động nhập khẩu của cả nước.
Cuối tuần trước, Thủ tướng Abe đã công bố một gói kích thích kinh tế lớn nhất từ trước đến nay để duy trì hoạt động cho các công ty và gia đình. Gói này dự kiến lấy ra từ quỹ hỗ trợ khẩn cấp 56,8 nghìn tỷ yen được thành lập sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền cũng đã đề xuất gói kích thích chiếm khoảng 16-17% GDP nền kinh tế Nhật Bản. Gói này sẽ bao gồm hỗ trợ cho các công ty vừa và nhỏ bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, cũng như các gia đình gặp khó trong việc thanh toán các hóa đơn hàng tháng.