Theo một quan chức cấp cao thuộc Sở Y tế Tokyo, việc Nhật Bản chỉ có thêm 13 ca mắc COVID-19 được thông báo trong ngày 30/3 chủ yếu là do hạn chế số bệnh nhân ngoại trú hôm 29/3. Con số này thấp hơn so với mức cao kỷ lục 68 ca mới được ghi nhận hôm 29/3.
Tính đến thời điểm này, thủ đô Tokyo vẫn là tâm dịch lớn nhất của Nhật Bản với 443 người nhiễm virus SARS-CoV-2. Mặc dù vậy, Thị trưởng Tokyo Yuriko Koike cho biết chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe sẽ quyết định liệu có ban bố tình trạng khẩn cấp tại thủ đô Tokyo hay không, chứ không phải chính quyền địa phương.
Trong khi đó tại Campuchia, Thủ tướng Hun Sen tuyên bố chính phủ Hoàng gia nước này đã xem xét phân bổ 500-600 triệu USD cho các ngân hàng và tổ chức tín dụng nhỏ. Thủ tướng Hun Sen cũng kêu gọi khu vực tư nhân và chủ sở hữu bất động sản ưu đãi cho các khách hàng và người thuê bằng cách hoãn thời hạn chi trả hoặc đưa ra những mức lãi suất thấp hơn.
Trước đó, ngày 21/3, Thống đốc Ngân hàng Quốc gia Campuchia Chea Chanto đã yêu cầu các ngân hàng và tổ chức tài chính chú ý đến 4 nhóm dễ bị tổn thương bao gồm ngành du lịch (thực phẩm, nhà ở và dịch vụ), ngành may mặc (người sử dụng lao động và người lao động), xây dựng (nhà ở, nhà hàng) và vận tải (tài xế taxi, xe tuk tuk và hậu cần).
Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh từ ngày 29/3, Thủ tướng Hun Sen đã chỉ đạo các bộ, cơ quan và chính quyền trong cả nước phối hợp với các công tố viên, tiến hành thu giữ các bộ dụng cụ xét nghiệm COVID-19 và thuốc điều trị chưa đăng ký đang được bán trôi nổi trên thị trường, đồng thời bắt giữ những đối tượng liên quan.
Trong thông cáo báo chí ngày 29/3, người phát ngôn Bộ Y tế Campuchia Or Vandine cho biết rất nhiều bộ xét nghiệm COVID-19 đang được rao bán trên thị trường nhưng không có sự xác nhận của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về độ tin cậy và tính hiệu quả. Thông cáo được đưa ra sau khi một số người bán hàng trên mạng quảng cáo về các bộ xét nghiệm chưa qua đăng ký để bán cho một nhóm nhỏ khách hàng muốn tự xét nghiệm.