Liên minh ủng hộ Tổng thống Ai Cập thắng cử lớn

Liên minh Vì Tình yêu Ai Cập tiếp tục giành trọn vẹn 60 ghế theo danh sách đảng phái, trở thành liên minh duy nhất kiểm soát tất cả số ghế Quốc hội.


Cử tri Ai Cập bỏ phiếu bầu cử quốc hội giai đoạn hai tại Cairo ngày 22/11. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 25/11, Ủy ban Bầu cử Tối cao Ai Cập (HEC) công bố kết quả chính thức cuộc bầu cử Quốc hội giai đoạn hai, theo đó Liên minh Vì Tình yêu Ai Cập tiếp tục giành trọn vẹn 60 ghế theo danh sách đảng phái, trở thành liên minh duy nhất kiểm soát tất cả số ghế theo danh sách đảng sau hai giai đoạn bỏ phiếu bầu Quốc hội.


Phóng viên TTXVN tại Cairo dẫn thông báo của HEC cho biết, sau khi giành trọn vẹn 60 ghế theo danh sách đảng tại cuộc bầu cử Quốc hội giai đoạn một diễn ra ở 14/27 tỉnh hồi tháng 10 vừa qua, Liên minh Vì Tình yêu Ai Cập tiếp tục thâu tóm hết 60 ghế còn lại theo danh sách đảng trong cuộc đua giai đoạn hai diễn ra từ ngày 21-23/11 tại 13/27 tỉnh. Như vậy, tổng số 120 ghế theo danh sách đảng phái đã thuộc về Liên minh Vì Tình yêu Ai Cập, liên minh quy tụ 10 đảng phái chính trị ủng hộ đương kim Tổng thống Abdel-Fattah El-Sisi.


Tại các cuộc bỏ phiếu giai đoạn hai, chỉ 9 ứng cử viên hội đủ số phiếu theo quy định để giành ghế theo danh sách ứng viên độc lập trong Quốc hội, do đó các ứng cử viên sẽ tiếp tục chạy đua tại vòng bỏ phiếu bổ sung để giành 213 ghế còn lại, dự kiến diễn ra từ ngày 30/11 đến 2/12.


Theo HEC, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu giai đoạn này cao hơn giai đoạn trước, với 29,83%. Tỉnh Nam Sinai là địa phương có tỷ lệ cao nhất với 41,60%, tiếp đến là tỉnh Bắc Sinai với 36,82%. Xếp thứ ba là tỉnh Daqahliya thuộc miền Trung lưu vực sông Nile với 36%. Tỉnh Suez có tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp nhất, chỉ với 18,1%, tiếp đến là Cairo 19,96%. Số công dân Ai Cập sinh sống và làm việc ở nước ngoài đi bỏ phiếu bầu Quốc hội giai đoạn hai là 37.141 người, tăng 21,65% so với số cử tri giai đoạn một.


Kết quả cuối cùng cuộc bầu cử Quốc hội gồm hai giai đoạn của Ai Cập sẽ được công bố vào đầu tháng 12 tới. Với tổng số 596 ghế, bao gồm 448 ghế độc lập, 120 ghế theo danh sách đảng và 28 ghế do Tổng thống chỉ định, Quốc hội mới của Ai Cập dự kiến sẽ tiến hành phiên họp đầu tiên vào trước cuối năm 2015.


Bầu cử Quốc hội là chặng thứ ba và cũng là chặng cuối cùng của lộ trình chuyển tiếp chính trị tại Ai Cập sau cuộc chính biến lật đổ Tổng thống Hồi giáo Mohamed Morsi hồi giữa năm 2013. Cuộc bầu cử Quốc hội của Ai Cập trước đó đã được ấn định vào ngày 21/3 nhưng đã bị hoãn lại sau khi Tòa án Hiến pháp tối cao Ai Cập phán quyết rằng luật bầu cử không phù hợp với Hiến pháp, đồng thời ra lệnh ngừng cuộc bầu cử quốc hội cũng như tất cả các công việc chuẩn bị cho cuộc bỏ phiếu này.


* Chính phủ Ai Cập phê chuẩn dự luật chống di cư bất hợp pháp


Ngày 25/11, chính phủ Ai Cập đã phê chuẩn Dự luật chống di cư bất hợp pháp, trong đó quy định khung hình phạt tiền nặng và kết án tù lao động khổ sai đối với những người tham gia vào hoạt động đưa người ra khỏi đất nước bất hợp pháp.


Dự thảo luật quy định hình phạt từ 50.000 bảng Ai Cập - LE (khoảng 6.000 USD) tới 200.000 LE (khoảng 25.000 USD), hoặc một mức án tù giam không xác định thời hạn, đối với bất cứ ai buôn bán người trái phép, hoặc làm trung gian cho hoạt động này. Văn bản luật này còn quy định hình phạt tù khổ sai và phạt tiền từ 200.000 LE tới 500.000 LE (khoảng 63.000 USD) nếu tiếp tục tái diễn hành vi tổ chức buôn người. Mức án tù chung thân cũng đã được đưa ra để dành cho những đối tượng tổ chức đưa người trái phép qua biên giới nhằm tiến hành các vụ tấn công khủng bố, hoặc trong trường hợp nạn nhân di cư bất hợp pháp bị thiệt mạng; hoặc buôn bán người di cư trái phép là phụ nữ và trẻ em; hoặc làm giấy tờ giả mạo cho những người di cư bất hợp pháp.


Dự luật này sẽ có hiệu lực sau khi được Tổng thống Abdel Fattah al-Sisi, người hiện đang nắm giữ quyền lập pháp, phê chuẩn hoặc được đem ra thảo luận trước phiên họp đầu tiên của quốc hội mới, dự kiến diễn ra vào cuối năm nay.


Trong những năm gần đây, hàng ngàn người Ai Cập đã cố gắng vượt Địa Trung Hải để tìm kiếm cơ hội việc làm tốt hơn, với hàng trăm trường hợp bị bắt giữ khi cố gắng tiếp cận bờ biển phía Nam châu Âu ở Italy hay Hy Lạp. Hơn 250.000 người nhập cư từ các nước khác nhau ở Trung Đông và trên thế giới đã tìm cách vượt Địa Trung Hải từ các quốc gia Bắc Phi - bao gồm Libya, Tunisia và Ai Cập - tìm đường tới châu Âu trong năm 2015. Hàng ngàn người trong số này đã bị thiệt mạng trong hành trình dài lênh đênh trên biển. Châu Âu đang tìm cách hợp tác với các nước Bắc Phi để ngăn chặn dòng người di cư ngày càng ồ ạt hiện nay. Cuối tháng Năm vừa qua, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Schteinmeier đã tới thăm Cairo để bàn với Tổng thống Ai Cập al-Sisi về các biện pháp giải quyết cuộc khủng hoảng di cư. Ông Schteinmeier cho biết Ai Cập cần phải hết sức bảo vệ và giám sát biên giới của mình.


Trong cuộc cải tổ nội hồi tháng Chín vừa qua, chính phủ Ai Cập đã bổ sung thêm một ghế Bộ trưởng Nhập cư nhằm chống lại nạn di cư bất hợp pháp hiện nay.


TTXVN/Tin Tức
Nổ bom xe liên tiếp trong thời gian bầu cử quốc hội Ai Cập
Nổ bom xe liên tiếp trong thời gian bầu cử quốc hội Ai Cập

Đài truyền hình nhà nước Ai Cập đưa tin, ngày 24/11, hai quả bom đã phát nổ bên ngoài một khách sạn ở thành phố al-Arish, miền Bắc Sinai, nơi các quan chức giám sát bầu cử lưu trú, khiến ít nhất 4 người thiệt mạng và hơn 10 người bị thương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN